Bản sắc thiên tính nữ trong nghiên cứu văn học

Khi ngồi kiểm kê lại những gương mặt nữ của giới nghiên cứu văn học thành danh sau năm 1975, tôi chợt nhận ra có không nhiều người thực sự được ghi nhận và có thành tựu nếu so với những đồng nghiệp nam giới.

Những gương mặt trí thức nữ nổi bật hoạt động trong lĩnh vực lý luận văn học còn ít hơn, với những gương mặt như Lộc Phương Thủy, Đào Tuấn Ảnh, Lý Hoài Thu, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Tôn Thảo Miên, Lê Lưu Oanh… Có lẽ, nghiên cứu văn học nói chung và lý luận văn học nói riêng là một lĩnh vực kén nữ giới bởi đây là một lĩnh vực khắc nghiệt, vất vả cùng nhiều đặc thù.

Số người dũng cảm bước vào, để cuối cùng đạt đến thành công được xã hội thừa nhận như trường hợp PGS, TS Lý Hoài Thu (nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) thật sự không nhiều. Nhân công trình tiểu luận-phê bình của Lý Hoài Thu “Những sinh thể văn chương Việt” (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2018) đang nhận được nhiều chú ý trên văn đàn, tôi xin nhìn nghiêng văn bản nghiên cứu của bà dưới góc độ thiên tính nữ.

Khi khảo sát thơ Lưu Quang Vũ, Lý Hoài Thu cũng nhận ra ông là nhà thơ mạnh về trực giác. Sự nhạy cảm của hồn thơ Lưu Quang Vũ đã khiến ông nắm bắt hương thơm và màu sắc một cách tinh nhạy. Những tiểu luận khác, như “Thơ Nguyễn Bính-Từ ký hiệu sinh thái đến không gian tự tình”; “Gái quê và những tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Hàn Mặc Tử”… Lý Hoài Thu đều thể hiện năng lực cảm thụ tinh nhạy với màu sắc trong thơ của những thi sĩ thuộc phong trào Thơ mới. Các ví dụ được lựa chọn đưa vào phân tích trong các tiểu luận đều đa dạng, tinh tế về sắc màu.

Một trong những đặc trưng nữ tính khác trong lối phê bình của Lý Hoài Thu, đó là khả năng nhạy cảm trong phân tích về nỗi cô đơn. Lý Hoài Thu cũng là một người đàn bà với thân phận cô đơn. Điểm riêng tư trong nỗi cô đơn của nhà phê bình đó là cuộc sống trớ trêu đã mang người đàn ông lý tưởng của cuộc đời bà ra đi quá sớm, sau một cơn bạo bệnh. Trong “Những sinh thể văn chương Việt” dày đặc những tiểu luận phê bình về những nỗi cô đơn của thi nhân. Tiêu biểu nhất phải kể đến “Cái cô đơn mang tên Xuân Diệu”. Trong những nghiên cứu trước đây, Lý Hoài Thu từng có một nhận định xác đáng: “Buồn và cô đơn là một thứ tâm bệnh chung của chủ nghĩa lãng mạn”. Đến tiểu luận này, bà đi đến một nhận định sâu hơn về Xuân Diệu mà ít người nhận ra đằng sau vẻ sôi nổi, cuống quýt, yêu đương nồng say, “thì cái làm nên tố chất đặc biệt của hồn thơ Xuân Diệu chính là cái cô đơn”. Nhà phê bình cũng tinh ý nhận ra khả năng đặc biệt của Xuân Diệu khi đối diện với nỗi cô đơn bất khả giải của cuộc đời mình: “Sự lạ lùng đó thể hiện bằng những chuyển đổi nỗi cô đơn trong tâm hồn thành cô sầu trong cảm giác”. Có thể nói, sự đồng điệu về thân phận cô đơn giữa người sáng tạo và người phê bình, dĩ nhiên dưới hai góc độ khác nhau, đã khiến họ trở nên những người tri âm trên văn bản.

Với thơ ca Hữu Thỉnh trong tiểu luận “Cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh”, Lý Hoài Thu cũng tìm ra những tâm sự cô đơn rất riêng, mang dấu ấn con người cá nhân hậu hiện đại kể từ sau thời đổi mới. Tôi đánh giá đây là một trong những tiểu luận phê bình hay nhất của Lý Hoài Thu. Thơ Hữu Thỉnh có thể chia làm hai giai đoạn: Thơ chiến tranh-thơ đổi mới (hậu chiến). Ở hai giai đoạn này, cây như một biểu tượng nghệ thuật mang bản mệnh của thi sĩ thể hiện hai góc độ khác nhau. Nếu như trong giai đoạn kháng chiến, Lý Hoài Thu chỉ ra cây là biểu trưng cho đồng đội, nhân dân, nhân vật đám đông, thì đến giai đoạn hậu chiến, cây trong thơ Hữu Thỉnh là một biểu tượng của nỗi cô đơn đương đại, mang thân phận đời tư thế sự: Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng thôi bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi (Sang thu).

Đọc kỹ lại “Những sinh thể văn chương Việt”, mặc dù dấu ấn nữ tính thể hiện khắp mọi nơi, nhưng tôi nghĩ điểm tinh tế và cũng dễ dàng nhận ra nhất, chưa phải là màu sắc hay nỗi cô đơn, mà chính là khả năng nhận diện giới tính và khả năng cảm thụ vẻ đẹp tính dục thân xác dưới góc nhìn nữ tính. Lý Hoài Thu là một người mang thiên tính nữ rõ nét, từ trên giảng đường cho đến văn bản phê bình. Chính vì vậy, trong sự cảm thụ văn chương, với một năng lực “đồng thanh tương ứng”, bà đã nhanh chóng, nhạy cảm đi sâu vào chiều vô thức tâm lý của nhà văn, để phát hiện ra những “thiên tính nữ” được ẩn giấu một cách bí mật. Tiêu biểu là Nguyễn Bính, Lưu Quang Vũ, Hồ Thế Hà. Với Nguyễn Bính, bà nhận định: “Có lẽ nhờ sự nhập thân cao độ của chủ thể sáng tác, thơ Nguyễn Bính phảng phất thiên tính nữ. Không chỉ ở giọng điệu kể lể sự tình mà là sự khắc họa chân dung tâm hồn, sự khái quát những thân phận tình yêu đa đoan, hồng nhan bạc mệnh”. Với Lưu Quang Vũ và Hồ Thế Hà được/bị nhận xét là những tâm hồn đa cảm, yếu đuối mang hơi hướng nữ tính.

Với trường hợp của Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội”, Lý Hoài Thu đã phát hiện ra nhiều điểm rất thú vị mà chúng ta khi đọc Vũ Bằng thường có thể không để ý đến: Nhà văn đã viết tùy bút của mình (về ẩm thực) trong cái nhìn liên tưởng đến (thân thể) mỹ nhân. Trong rất nhiều cách miêu tả món ăn, thú thưởng thức ẩm thực của chủ thể, Vũ Bằng thường sử dụng một hệ quy chiếu so sánh với thân thể đàn bà, thói đam mê trăng hoa, dan díu với phụ nữ, hay những cảnh ái ân với những người đàn bà đẹp. Với Lý Hoài Thu, đây là cái nhìn nam tính thể hiện rất rõ ràng. Chỉ có thể dưới cách đọc phê bình của nữ giới, Lý Hoài Thu mới nhận ra sự thật văn bản hiển nhiên đó.

Tập tiểu luận-phê bình “Những sinh thể văn chương Việt” còn có nhiều điểm mới lạ, cách tân khác đáng chú ý so với sự nghiệp cầm bút của Lý Hoài Thu nếu ta đặt trong tương quan chung những công trình nghiên cứu văn học khác hiện nay. Ở đây, chỉ xin đi sâu vào bản thể công trình của Lý Hoài Thu từ một góc độ tiếp cận đặc thù, đó là bản sắc thiên tính nữ. Tôi tin, nếu gột rửa hết đi những gì trong phê bình của bà giống/thua những người cầm bút khác, cái còn lại là thiên tính nữ, nó xứng đáng là “của tin gọi một chút này làm ghi”.

Tiến sĩ PHAN TUẤN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ban-sac-thien-tinh-nu-trong-nghien-cuu-van-hoc-603812