Bản sắc phương Đông trong Tuyên ngôn Độc lập

Lời tòa soạn: Mùa Thu năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, hùng hồn tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lễ Quốc khánh ngày 2/9/1945 ấy mãi mãi là dấu son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi là bản hùng ca, khẳng định chủ quyền trường tồn của dân tộc Việt Nam, mà ngày nay, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong áng văn bất hủ này vẫn còn nguyên ý nghĩa thời đại.

Bản sắc phương Đông trong Tuyên ngôn Độc lập

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 - văn bản có tính pháp lý đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1791, nói về “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, trong những quyền đó, có cả quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Người cho rằng, đó là chân lý bất hủ, để từ đó khẳng định quyền của dân tộc Việt Nam và của mỗi người dân Việt Nam.

Viện dẫn những bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và của Cách mạng tư sản Pháp, Người đã thể hiện sự tiếp thu tinh thần tiến bộ của cuộc cách mạng tư sản về quyền sống, mưu cầu hạnh phúc của con người và quyền độc lập, tự do của các dân tộc.

Nhưng nét khác biệt là, Người đã xuất phát từ nền tảng bản sắc phương Đông trong khi tiếp thu tư tưởng tiến bộ của phương Tây.

Đó là, Người đề cao tính dân tộc, lấy dân tộc, lấy cộng đồng làm bản thể, thay vì lấy cá nhân làm bản thể như tư tưởng phương Tây.

Với triết lý ấy, Người đã “suy rộng ra, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Đây là điểm sáng tạo trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó thể hiện đúng triết lý, truyền thống phương Đông, rằng các quyền của cá nhân gắn kết với quyền của một cộng đồng, phải đặt lợi ích cá nhân trong lợi ích của cộng đồng.

Chính vì thế, trong Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần khẳng định và nhấn mạnh tới hai chữ “dân tộc” thiêng liêng:

“Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Từ đó, Người khẳng định ý chí của cả dân tộc và mỗi người dân Việt Nam quyết bảo vệ quyền độc lập, quyền sống và quyền tự do của mình:

“Vì những lý lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Bản sắc cộng đồng với sự nghiệp phát triển đất nước

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền dân chủ, tự do của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Người đặt ra nhiệm vụ quan trọng là lập ra bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bảo vệ thành quả cách mạng và quyền lợi của nhân dân.

Điều đó cho thấy, ý thức vì cái chung (bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ) được Người đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ ngay khi bắt tay lãnh đạo đất nước.

Vì thế, trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thành quả Cách mạng Tháng Tám trước hết là “giành lại chủ quyền cho đất nước”, sau đó mới là “tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”.

Chính triết lý vì cộng đồng, lấy cộng đồng làm bản thể đó đã chi phối nhiệm vụ của Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là nhiệm vụ của cả dân tộc: “Bảo vệ lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân tộc”.

Ngày nay, triết lý lấy cộng đồng làm bản thể mang bản sắc phương Đông mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng vận dụng, thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Người vẫn còn nóng hổi ý nghĩa thời đại.

Trên thực tế, sức mạnh của bản sắc cộng đồng đã được chứng minh bằng những biểu tượng phát triển sống động.

Trong khu vực Đông Á, có thể kể đến trường hợp của Nhật Bản, Singapore.

Bản sắc cộng đồng, coi sự đồng thuận, cộng sinh, cộng tồn và hài hòa xã hội là đạo lý căn bản của đất nước đã được các nhà chính trị, từ Thiên Hoàng Minh Trị đến Lý Quang Diệu đề xướng và đưa đất nước họ phát triển ngày càng phồn thịnh.

Hiện nay, xã hội Nhật Bản, Singapore vẫn nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và sự quan tâm của cộng đồng đối với mỗi cá nhân.

Đối với điều kiện của nước ta, xây dựng ý thức cộng đồng, xây dựng sự đồng thuận xã hội để làm nền tảng phát triển đất nước cũng là vấn đề lớn đang đặt ra cho toàn xã hội.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hưởng ứng và hành động trong hơn một năm qua là sự nhìn nhận thẳng thắn, trực diện vào những những vấn đề cấp bách, bức xúc, đang làm cho toàn Đảng, toàn dân quan tâm, lo lắng.

Đó là thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, dẫn đến suy thoái, làm niềm tin của nhân dân với Đảng giảm sút.

Việc Đảng với dân cùng thể hiện quyết tâm, cùng chia sẻ trách nhiệm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Đảng và nhân dân đồng tâm, cùng hành động với mong muốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng của dân tộc, không chỉ đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn đại diện cho lợi ích của cả dân tộc.

Quyết tâm đó, không gì khác chính là hướng tới sự đồng thuận xã hội rộng rãi, tới giá trị cộng đồng bền vững mang bản sắc phương Đông, bản sắc dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 68 năm trước.

(*) Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS-TS Lê Quý Đức (*)

PGS-TS Lê Quý Đức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ban-sac-phuong-dong-trong-tuyen-ngon-doc-lap-d14545.html