Bản sắc linh vật Việt

Dù trải qua nhiều thăng trầm song nền văn hóa Việt đã ghi nhận những linh vật mang bản sắc riêng gắn liền với đời sống tinh thần của người dân.

Thếp vàng Kỳ linh Mậu Tuất 2018

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, linh vật thuần Việt xuất hiện từ lâu đời, nhiều nhất là vào thời Lý, Trần. Từ xa xưa, các nhà điêu khắc người Việt đã chế tác nhiều linh vật với những hình dáng, mẫu mã đa dạng. Và hình ảnh những con rồng, rùa, hạc, cặp chó đá hay đôi nghê đặt để làm vật canh cổng, giữ đền, miếu, chốn cung đình... đã rất quen thuộc, ăn sâu vào tâm thức người Việt.

Chính bởi điều đó nên khi đi tìm câu trả lời con vật nào thể hiện đậm nét nhất văn hóa Việt? Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - cho rằng: Chó đá, nghê đá là những con vật gần gũi với tâm linh người Việt. Trong quan niệm của người Việt, chó là linh vật gần gũi với đời sống con người; là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Bởi thế, từ xưa, nhiều người Việt thường tạc chó đá trấn giữ trước cổng nhà với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà; hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Nhiều nơi còn có tục thờ chó đá, như: Đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội), hay ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), tới 60% gia đình thờ tượng chó đá. Người dân gọi chó đá với những cái tên kính cẩn như Quan lớn Hoàng Thạch, cụ Thạch, Thần Cẩu và đem thờ cúng trước cửa nhà với ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, trông coi nhà cửa. Đặc biệt, với người Tày, Nùng ở huyện Lộc Bình quan niệm: Việc thờ chó đá trước cửa nhà sẽ giúp cho gia chủ gặp dữ hóa lành, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm.

Cùng với chó đá thì nghê cũng được nhiều chuyên gia văn hóa đề cử là linh vật thuần Việt. Bắt nguồn từ chó đá, dần biến đổi qua các thời kỳ, từ con vật hư cấu, nghê đã trở thành con vật tiêu biểu, phong phú trong hình tượng văn học nhưng lại hết sức gần gũi với đời sống người Việt.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay: “Nghê là con vật hư cấu nhưng đã đi suốt chiều dài lịch sử người Việt từ dân gian đến cung đình. Chính sự mộc mạc, giản dị dễ đi vào đời sống con người nên nếu có thể được phép dùng thì nghê là linh vật thuần Việt, gần gũi nhất...”.

Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt thông qua các linh vật cụ thể, mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt bảo vật văn hóa quốc gia. Nếu được phê duyệt thì đây cũng là cơ sở để người dân dễ dàng nhận diện được linh vật thuần Việt trong đời sống văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, để linh vật Việt tiếp tục có đời sống trong dòng chảy lịch sử văn hóa của người Việt, cần có những cách thức cụ thể trong việc giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống cho các thế hệ tương lai.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ban-sac-linh-vat-viet.html