Bản Sa Ná tan hoang vì lũ quét là do dòng suối Son bị nghẽn

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) là do dòng suối Son bị nghẽn dòng tạo nên đập tạm.

Hàng chục căn nhà ở bản Sa Ná chỉ còn lại nền móng sau lũ quét. Ảnh: Zing.vn

Hàng chục căn nhà ở bản Sa Ná chỉ còn lại nền móng sau lũ quét. Ảnh: Zing.vn

Infonet đưa tin, sáng ngày 20/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp) đã đến thăm và tặng quà bà con vùng lũ quét Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Sau buổi gặp gỡ, tặng quà cho người dân chịu thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Hoài đã cùng đoàn công tác tiến hành thăm khu vực bản Sa Ná và tiến hành kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại khu tái định cư mới cho nhân dân bản Sa Ná.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) là do dòng suối Son bị nghẽn dòng tạo nên đập tạm.

Khi mưa lớn lượng đất đá trôi về nhiều đến khoảng 6-7h ngày 3/8, thì đập tạm bị phá vỡ tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ lớn cuốn trôi nhiều nhà dân và người dân bản Sa Ná.

Theo thông tin trên Zing.vn, ông Hoài cho biết, hiện có 100.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Số lượng các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có dấu hiệu tăng lên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Do đó, việc xây dựng các công trình dân cư, phòng chống lụt bão, đặc biệt ở khu vực miền núi cần được tính toán kỹ để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tổng cục PCTT đang lập dự án để báo cáo Chính phủ về những điểm, những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở để từ đó có hướng dẫn chi tiết cho công tác ứng phó.

Liên quan đến việc trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi hơn 30 hộ dân ở bản Sa Ná đã được quy hoạch cảnh báo vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, nhưng chính quyền địa phương chưa di chuyển được thì xảy ra trận lũ đáng tiếc vừa qua, ông Hoài cho biết việc này Chính phủ rất quan tâm nhưng nguồn lực có hạn.

Trong khi đó, phạm vi bị nguy hiểm, rủi ro do mưa lũ rất lớn. Vì vậy, các địa phương phải rất tích cực phòng ngừa và cùng với Chính phủ trong việc xây dựng phương án, cơ sở hạ tầng sơ tán dân.

“Cùng với đó, các địa phương cần theo dõi diễn biến các đợt mưa lũ để sơ tán dân kịp thời. Tất cả mà cứ chờ đợi Chính phủ thì việc đó sẽ không thể có nguồn lực đủ cho chúng ta triển khai thực hiện được”Zing.vn dẫn lời ông Trần Quang Hoài.

Bạch Hiền (t/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ban-sa-na-tan-hoang-vi-lu-quet-la-do-dong-suoi-son-bi-nghen-a289558.html