Bản quyền truyền hình: Chuyện quyền hay tiền?

Cuối cùng thì người dân Việt đã không còn phải mắc cỡ khi mang tiếng là quốc gia có nhiều người dân vi phạm bản quyền truyền hình ASIAD công khai, thô bạo nhất xứ. Cuối cùng thì chúng ta cũng trở thành quốc gia cuối cùng tham dự ASIAD có bản quyền. Dẫu muộn còn hơn không. Nhưng nỗi buồn thì vẫn còn.

VTV là đài truyền hình quốc gia, họ có cơ sở hạ tầng, nhiều hạng mục cơ sở vật chất được đầu tư bằng ngân sách. Là đài quốc gia nắm giữ một trong bảy kênh truyền hình thiết yếu, việc của VTV không chỉ đơn giản là kiếm tiền bằng những game show, ca nhạc hay kết hợp với các công ty bên ngoài để tạo ra các chương trình đậm chất thương mại.

Nói vậy để hiểu, ở ASIAD, mục tiêu mà ngành thể thao được Nhà nước trao cho không chỉ là thi thố mà còn là tạo nên sự gắn kết hòa nhập và giới thiệu đất nước mình với các nước bạn. Đó cũng là lý do toàn bộ các vận động viên tham dự giải đều được chi bằng nguồn ngân sách. Vậy thì, khi các vận động viên đi thi đấu ở xứ người, họ cần được động viên, còn người dân cả nước phải được biết thể thao nước nhà phát triển tới đâu.

Bởi đó không chỉ là thành quả của các cá nhân mà còn là thành quả của việc đầu tư phát triển con người.

Một kiểu ngang nhiên vi phạm bản quyền ASIAD 2018! Ảnh: TL

Nhưng, trong câu chuyện không mua bản quyền ASIAD 2018 tại Indonesia, người ta chỉ thấy những người ở VTV nói toàn chuyện tiền với tiền, lời với lỗ.

Điều ấy khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ban tổ chức ASIAD đã từng mời các quốc gia tham dự giải đấu mua bản quyền chỉ với 500 ngàn USD nhưng lúc đó VTV lắc đầu. Họ đợi đến khi có một doanh nghiệp thứ ba nhảy vào mua rồi mới thương thảo, để rồi giá cao ngất ngưởng.

Và điều gì đến cũng đã đến, rất nhiều, rất nhiều người Việt đã phải coi những kênh truyền hình “lậu” vi phạm bản quyền. Sự vi phạm ấy bị nâng lên tầm quốc gia khi chính ban tổ chức giải đấu cảnh báo rằng tất cả những đơn vị đã mua bản quyền phải tìm cách không để “tràn sóng” sang Việt Nam. Họ nêu đích danh ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan. Thời may, sau vòng bảng, VOV-VTC đã kịp cứu thua khi mua gấp bản quyền truyền hình để người dân kịp chiêm ngưỡng kỳ tích của đội Olympic Việt Nam, cũng như các nỗ lực của Ánh Viên, Kim Tuấn, Kiều Trinh hay nhiều vận động viên khác.

Nhưng câu chuyện bản quyền truyền hình vẫn chưa thể chấm dứt khi câu hỏi sau chưa ai trả lời: Với một đài truyền hình quốc gia, tiền kiếm về hay quyền thông tin cho người dân, cái nào mới đáng được coi trọng? Tiền và quyền tự tôn dân tộc, đâu mới là điều VTV cần giữ?

Thảo Du

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ban-quyen-truyen-hinh-chuyen-quyen-hay-tien-15191.html