Bản quy ước của làng Hạ Mỗ

Quy định về lễ hội truyền thống, phong tục tập quán; về việc cưới; việc tang; về tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, ngày mừng thọ; Xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa…là một trong những quy ước nằm trong Bản quy ước tiến bộ của làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.

Bản quy ước làng Hạ Mỗ.(ảnh: Khánh Phong)

Bản quy ước làng Hạ Mỗ.(ảnh: Khánh Phong)

Làng Hạ Mỗ được chia thành 8 cụm dân cư: Cụm dân cư số 1 đến cụm dân cư số 8 thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Hạ Mỗ là một vùng đất cổ, ở đầu nguồn sông Nhuệ. Đến thế kỷ thứ VI làng Hạ Mỗ lúc đó là trang Phú Lộc được đổi thành hương Ô Diên một thời là kinh đô nước Vạn Xuân dưới triều đại tiền Lý.

Hướng theo ngọn cờ Thiên hạ thái bình, phấn đấu cho mục tiêu cao cả “Khi khả quan văn vật, tốt đẹp lễ nhạc y quan”. Ngành văn nổi các khoa mục, ngành vũ xuất những công hầu, nhà nhà phú thọ khang ninh, làng xóm phục hòa phồn hậu” là ý chí, tình cảm và quyết tâm của dân làng từ ngàn đời lưu truyền mãi tới ngày nay.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc làng Hạ Mỗ có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thao (1929 – 1950) và 88 liệt sỹ, 22 Bệnh binh, 26 Thương binh, Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay làng Hạ Mỗ có những người con học hành thành đạt.

Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến. Nhân dân làng Hạ Mỗ luôn luôn phát huy sức mạnh của tình đoàn kết, tương thân tương ái, sát cánh vai kề, sống nhân hậu, thủy chung, gắn bó chặt chẽ giữa việc nước với việc làng.

Nhận rõ trách nhiệm và bổn phận của mỗi người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi xóm ngõ trước sự hưng thịnh của làng, của nước. Để giữ gìn và phát huy các thuần phong mỹ tục của quê hương, đề cao các chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp của cha ông, trải bao đời đã dày công vun đắp xây dựng; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát triển các hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội; phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Để mỗi người dân phải biết “sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, làm đúng, làm tốt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội là góp phần thiết thực đưa thôn Hạ Mỗ tiến lên trên đường do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,văn minh, gia đình hạnh phúc”. Để đạt được những mục tiêu tốt đẹp đó, năm 2012, làng Hạ Mỗ xây dựng bản Quy ước làng Hạ Mỗ - 2012 để toàn thể nhân dân thực hiện.

Các quy định về lễ hội truyền thống, phong tục tập quán

Thực hiện chính sách tôn giáo của Chính phủ, mọi người trong làng đều có quyền tự do tín ngưỡng, được thờ cúng, tế lễ trong gia đình, miếu, chùa, đền của làng theo đúng thể lệ, quy định. Theo tính chất và nội dung thờ tự từ xưa ở mỗi nơi nên giữ vững không tự ý thay đổi. Nếu được dân làng nhất trí, chính quyền đồng ý cho phép, các cơ quan văn hóa và tổ chức tôn giáo chuẩn y thì mới được thay đổi. Các di tích được thực hiện đúng “Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh”.

Việc thờ cúng thể hiện sự trang nghiêm, thành kính, tránh lãng phí phô trương, ăn uống tốn kém làm phương hại sự đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín, giảm lòng tin của nhân dân và khách thập phương. Mọi người đến nơi thờ cúng quần áo chỉnh tề, không dung tục, không gian dối, không lợi dụng nơi công cộng để tuyên truyền ảnh hưởng cá nhân, gây bè kéo cánh, nói xấu người khác hoặc làm phương hại đến công việc của địa phương và Nhà nước.

Người trong làng cũng như khách thập phương đến lễ bái không được hành nghề mê tín dị đoan hoặc đầu cơ trục lợi, kinh doanh trái phép, tổ chức đánh bạc dưới bất cứ hình thức nào, không đốt đồ mã trong khu vực lễ hội, không đốt pháo, thả đèn trời. Mọi người nên thực hiện giữ gìn vệ sinh công cộng.

Hội làng không nhất thiết năm nào cũng tổ chức. Năm nào mở hội thì tùy tình hình cụ thể về nội dung và tính chất mà quyết định số ngày nhưng không quá 3 ngày và được sự đồng ý, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Hội làng đảm bảo vui tươi đoàn kết tiết kiệm, phát huy được truyền thống, an toàn và không gây cản trở cho sản xuất và các hoạt động xã hội khác.

Về việc cưới

Tổ chức việc cưới đảm bảo theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình như: Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, trước khi tổ chức lễ cưới đôi nam nữ đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định; Không tổ chức cưới tảo hôn hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng;

Một đám cưới tại làng Hạ Mỗ.(ảnh: Khánh Phong)

Tổ chức đám cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của thôn và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, gây lãng phí, hạn chế cỗ bàn, hạn chế các tục lệ không cần thiết. Khuyến khích tổ chức lễ cưới hỏi theo nếp sống mới, tổ chức hình thức cưới tiệc trà, văn nghệ và báo hỷ sau ngày cưới thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình.

Về việc tang

Khi có người qua đời gia đình ở cụm dân cư nào thì thông báo với cụm trưởng cụm dân cư đó để cụm trưởng thông báo cho nhân dân trong thôn, cụm biết và có trách nhiệm đến UBND xã để làm thủ tục khai tử. Khi nhận được thông báo các hộ gia đình bố trí người đến giúp đỡ gia đình có tang khâm liệm, chuẩn bị mọi thứ cho tang lễ. Khuyến khích thực hiện hình thức hỏa táng.

Việc tổ chức tang lễ chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn hóa trong việc tang.

Khi tổ chức tang lễ không nên mời cỗ đối với khách, dân làng mà chỉ tổ chức gọn nhẹ trong gia đình, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không để thi hài người quá cố quá 36 giờ. Trường hợp chết do bệnh dịch lây nhiễm nguy hiểm thì tổ chức chôn cất ngay theo quy định của Bộ Y tế. Nếu hộ nào vi phạm thì lập biên bản đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Không sử dụng kèn trống, nhạc tang sau 22 giờ và trước 6 giờ sáng. Không nên đốt rải vàng mã, tiền âm phủ khi đưa tang tránh ô nhiễm môi trường.

Về tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, ngày mừng thọ…

Trong các dịp ngày lễ, tết, giỗ, ngày hội, ngày mừng thọ… là dịp hội tụ con cháu gần, xa về quê hương. Các gia đình, dòng họ cần thông qua dịp này để nhắc nhở, dạy bảo con cháu nhớ về cội nguồn, tình cảm, trách nhiệm với gia đình, quê hương, thôn, xóm. Biểu dương khuyến khích những việc làm tốt, phê bình những biểu hiện tiêu cực.

Việc tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, … nên gọn nhẹ, không phô trương, không kéo dài thời gian. Các gia đình có ông, bà, cha, mẹ đến tuổi lên lão (từ 70 tuổi trở lên) vào các năm chẵn (như 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi…) thì báo cáo với Chi hội người cao tuổi để tổ chức mừng thọ vào dịp đầu xuân để thể hiện lòng tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với người cao tuổi trong gia đình.

Các sinh hoạt văn hóa tâm linh, tổ chức hiếu, hỷ, thờ cúng tổ chức phù hợp với phong tục tập quán, đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa. Trường hợp gia đình có người ốm đau phải đưa đi chữa trị tại các cơ sở y tế. Không lợi dụng các sinh hoạt văn hóa tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh.

Xây dựng nếp sống văn hóa

Mọi người trong thôn nên tôn trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Đảng, sự quản lý của cụm trưởng cụm dân cư. Tham gia sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể phù hợp với độ tuổi và điều kiện của mỗi người.

Chấp hành tốt quy định sinh hoạt của thôn, cụm về họp cụm dân cư. Chủ hộ tham gia họp, nếu bận thì cử người trong gia đình đi thay (người đi họp thay từ 18 tuổi trở lên). Trường hợp không đi họp, gia đình nên hỏi nội dung cuộc họp và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của cuộc họp.

Hàng năm các hộ gia đình, cá nhân phải đóng góp các khoản quỹ của thôn, cụm đầy đủ (trừ các đối tượng thuộc diện miễn, hoãn).

Luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn, tôn trọng quyền lợi cuộc sống riêng của mỗi gia đình, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn, cụm với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng.

Quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng gia đình văn hóa

Các thành viên trong gia đình biết tôn trọng, thương yêu nhau. Mỗi thành viên nên biết hướng thiện, biết cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng với vị trí của mình, có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Giáo dục nề nếp gia phong, dòng họ có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Tự hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, tránh làm liên lụy đến cộng đồng, thôn, cụm.

Vợ, chồng sống chung thủy, hòa thuận, bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Có trách nhiệm nuôi dạy con cái và tạo điều kiện cho con cái phát triển cả về mặt thể lực và trí lực, chịu trách nhiệm đối với hành vi của con cái khi con cái chưa đến tuổi thành niên. Cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ. Ông, bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Đoàn kết xóm giềng, tham gia các hoạt động hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện ở cộng đồng.

Nhật Minh - Khánh Phong

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-quy-uoc-cua-lang-ha-mo-115278.html