Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa: Nỗ lực giữ rừng

Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ hàng chục nghìn héc-ta rừng, đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, đơn vị tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã tuần tra, truy quét, tuyên truyền nâng cao nhận thức giữ rừng cho người dân.

Nhiều khó khăn

Những năm qua, rừng thượng nguồn xã Sơn Tân (thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) thường xuyên bị các đối tượng đến khai thác lâm sản trái phép tại các tiểu khu 301, 303, 306. Các đối tượng tổ chức khai thác, dùng cộ bò vận chuyển gỗ từ rừng sâu về, tổ chức cảnh giới và vận chuyển gỗ bằng ô tô, xe máy vào đêm khuya… Không ít lần vì bị truy quét, bắt giữ liên tục, các đối tượng đã quay ra chống đối, thậm chí tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Xác định địa bàn Sơn Tân là khu vực có nguy cơ khai thác lâm sản trái phép nhiều nhất ở huyện Cam Lâm, từ đầu năm đến nay, Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm và UBND xã Sơn Tân tổ chức 87 đợt tuần tra rừng, phát hiện và xử lý theo quy định hơn 3,3m3 gỗ các loại, phá bỏ 3 lò hầm than, tiêu hủy 800kg than.

 Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa triệt phá các lò than trái phép trong rừng.

Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa triệt phá các lò than trái phép trong rừng.

Trong khi đó, công tác quản lý và bảo vệ rừng tại khu vực rừng đầu nguồn thôn Co Róa (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cũng đối diện với nhiều khó khăn, khi tình trạng khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy diễn biến ngày càng phức tạp. Với thực trạng này, Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Thành Sơn (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) đã phối hợp với UBND xã Sơn Lâm, Trạm Kiểm lâm Sơn Lâm tổ chức hàng chục đợt tuần tra, kiểm tra tại khu vực rừng thượng nguồn Cô Róa và các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Qua kiểm tra, Trạm Kiểm lâm Sơn Lâm đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ 0,821m3 gỗ tròn và 1,319m3 gỗ xẻ hộp các loại.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho hay: Hiện nay, diện tích rừng, đất rừng thuộc lâm phận của ban quản lý khá rộng, trên địa bàn 3 địa phương: Cam Lâm, Cam Ranh và Khánh Sơn, với tổng diện tích rừng, đất rừng lên đến 30.212,3ha. Nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đất rừng của đơn vị đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mùa khô nguy cơ cháy rừng rất lớn khi toàn lâm phận có đến 3.540ha rừng có nguy cơ cháy cao. Trong khi đó, tuy tình trạng khai thác lâm sản trái phép trong lâm phận đã giảm nhiều nhưng vẫn còn một số đối tượng lén lút vào rừng để khai thác lâm sản trái phép như ở khu vực Sơn Tân (Cam Lâm) hay Thành Sơn, Sơn Lâm (Khánh Sơn); tình trạng đốt than ở các khu vực: Cam Phước Đông (Cam Ranh), Cam Phước Tây (Cam Lâm)… Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất ở nhiều địa phương vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực giữ rừng

Tuy gặp khó khăn về nhân lực, công cụ hỗ trợ nhưng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa vẫn nỗ lực khắc phục để thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét trong rừng nhằm bảo vệ rừng từ gốc. Ông Phan Hải Ninh - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây cho hay: “Trước đây, khu vực rừng giáp ranh giữa xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) thuộc khoảnh 2, tiểu khu 313 trong lâm phận của ban quản lý có nhiều đối tượng chặt cây, đốn củi để đốt than. Tình trạng này không chỉ dẫn đến mất rừng mà nguy cơ cháy rừng cũng rất lớn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, trạm chúng tôi tuy chỉ có 3 người nhưng đã liên tục truy quét, phá bỏ lò hầm than. Đến thời điểm này, khu vực tiểu khu 313 không còn tồn tại bất cứ lò hầm than nào”.

Trò chuyện với những người giữ rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, chúng tôi được họ chia sẻ, trong điều kiện khó khăn về nhân lực, phương tiện, công cụ hỗ trợ như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất trong công tác quản lý bảo vệ rừng là phải duy trì tốt mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng chủ rừng, kiểm lâm và UBND cấp xã. Nhờ duy trì tốt mối quan hệ phối hợp này mà trong 8 tháng đã qua, đơn vị chủ rừng đã phối hợp tổ chức 473 đợt tuần tra, truy quét, trong toàn lâm phận của đơn vị đã phát hiện 6 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép, 5 vụ phá rừng, lập biên bản tạm giữ gần 16m3 gỗ các loại, phá hủy 51 lò hầm than trái phép trong rừng, tiêu hủy gần 2 tấn than củi…

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cùng với việc truy quét bảo vệ rừng tại gốc, đơn vị chủ rừng còn phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đối với người sống gần rừng, ven rừng. Tại những điểm “nóng” về nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, các lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã nắm bắt các đối tượng để tuyên truyền, vận động ký các cam kết bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng; xử lý nghiêm các đối tượng, vụ việc vi phạm… Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh nỗ lực của đơn vị chủ rừng, chúng tôi mong muốn có thêm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng các địa phương, UBND cấp xã và hơn hết là ý thức, trách nhiệm giữ rừng của mỗi người dân.

Hải Lăng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202009/ban-quan-ly-rung-phong-ho-nam-khanh-hoa-no-luc-giu-rung-8182433/