Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ làm mất gần 2.500ha rừng ra sao?

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai vừa hoàn tất các loại thủ tục, chuyển hồ sơ vụ án tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (BQL) ở TP Pleiku đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trước đó, 9 bị cáo trong vụ án này đã đồng loạt nộp đơn kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Làm mất quyền sử dụng hơn 2.487ha đất lâm nghiệp

Chín bị cáo trong vụ án là: Hai nguyên Trưởng BQL là Nguyễn Đức (SN 1971) và Tưởng Tín (SN 1960), Ngô Văn Bằng (SN 1966, nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú), Mã Phi Bình (SN 1979, nguyên cán bộ địa chính xã Diên Phú), Ngô Xuân Hiền (SN 1974, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường - TN&MT TP Pleiku), Trương Văn Hoàn (SN 1974) và Phạm Thị Trầm (SN 1986, đều là nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Pleiku), Nguyễn Thành Tiên (SN 1964, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ Pleiku) và Lê Huy Phong (SN 1960, nguyên Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ Pleiku).

Bản án sơ thẩm số 55 ngày 14/11/2019 của TAND tỉnh Gia Lai quyết định xử phạt tổng cộng 12 bị cáo, cụ thể: Nguyễn Đức 54 tháng tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và 30 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Đặng Văn Cườm (SN 1975, nguyên Kế toán trưởng BQL) 24 tháng tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và 15 tháng tù tội "Tham ô tài sản"; Mã Phi Bình 18 tháng tù, Ngô Văn Bằng 15 tháng tù, Tưởng Tín 12 tháng tù, Trương Văn Hoàn 9 tháng tù, Phạm Thị Trầm 8 tháng tù, Lê Huy Phong 6 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Tiến Dũng (SN 1970, chuyên viên Phòng TN&MT Pleiku) và Phạm Thị Bích Thủy (SN 1978, nhân viên Chi nhánh VPĐKĐĐ Pleiku) mỗi bị cáo 9 tháng cải tạo không giam giữ, Ngô Xuân Hiền và Nguyễn Thành Tiên mỗi bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, bản án nêu trên còn tuyên buộc các bị cáo phải nộp tiền bồi thường thiệt hại để sung vào ngân sách nhà nước. Nguyễn Đức và Đặng Văn Cườm, mỗi bị cáo phải nộp hơn 236 triệu đồng; Mã Phi Bình và Ngô Văn Bằng, mỗi bị cáo phải nộp hơn 58 triệu đồng; Nguyễn Thành Tiên và Phạm Thị Bích Thủy, mỗi bị cáo phải nộp hơn 30 triệu đồng; Tưởng Tín, Nguyễn Tiến Dũng, Trương Văn Hoàn và Phạm Thị Trầm, mỗi bị cáo phải nộp gần 28 triệu đồng...

Trước đó, sau khi thanh tra toàn diện tại BQL, Thanh tra tỉnh Gia Lai có Kết luận số 06 ngày 15/5/2017 nêu rõ: BQL (trước 2005 là Trạm trồng rừng quốc doanh Pleiku) được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 8.000ha rừng. Thế nhưng, từ năm 2011 đến tháng 5/2017, BQL đã để cho nhiều cá nhân lấn chiếm, làm mất quyền sử dụng tổng cộng hơn 2.487ha đất lâm nghiệp và gây thiệt hại hơn 278ha rừng. Không chỉ có vậy, từ 2012 - 2016, lãnh đạo BQL còn không chứng minh được việc sử dụng hợp pháp, có dấu hiệu vụ tham nhũng 1,2 tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ đồng để ngoài sổ sách. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nên Thanh tra kiến nghị và đã được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ.

Biến đất rừng thành đất… nhà mình

Cáo trạng số 04 ngày 26/12/2018 và Cáo trạng số 57 ngày 15/8/2019 của VKSND Gia Lai quyết định truy tố 12 bị can trên và chỉ rõ trách nhiệm chính của những sai phạm này thuộc về Đức (Trưởng BQL từ tháng 4/2012 đến tháng 4/2017) và Cườm. Cụ thể, năm 2011, 2013 và 2015, BQL thu hơn 472 triệu tiền đền bù tài sản trên đất, bán thanh lý gỗ và củi, nhưng Đức đã chỉ đạo Cườm không nộp số tiền trên, gây thiệt hại với ngân sách nhà nước. Ngày 27/5/2013, Cườm không nhập quỹ mà chiếm đoạt sử dụng tiêu xài cá nhân hơn 15 triệu tiền hỗ trợ, bồi thường đất và hoa màu của BQL, cơ quan có chức năng xác định phạm tội "Tham ô tài sản". Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Trưởng BQL, Đức không tuân thủ theo các quy định, làm các tài liệu khống để hợp thức hóa nguồn gốc đất, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ, làm Nhà nước mất quyền sử dụng 16.726m2 đất rừng, gây thiệt hại gần 123 triệu đồng.

Tưởng Tín làm Trưởng BQL từ tháng 11/1996 đến tháng 4/2011. Trong năm 2010, Tín không chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thuộc quyền ra thực địa đo đạc và xác nhận theo trình tự, mà tự ý ký xác nhận vào 2 biên bản không tranh chấp đất và làm chứng với nội dung "đất khai hoang trước năm 1990, trồng cây các loại, không tranh chấp" cho bà Mai Thị Ngọc Thỏa, nguyên viên chức của BQL. Từ những việc làm sai trái của Tín, bà Thỏa đã làm được hai sổ đỏ gần 30.279m2 đất lâm nghiệp do Ban này quản lý bảo vệ, gây thiệt hại với Nhà nước hơn 222,5 triệu đồng. Sau khi được cấp sổ đỏ, bà Thỏa hưởng lợi từ việc chuyển nhượng lại đất cho nhiều cá nhân, trong đó Cườm nhận mua hơn 10.097m2, ông Đặng Xuân Thu (nguyên Phó BQL) mua 10.180m2.

Mặc dù các hồ sơ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thửa đất hợp pháp, không có những nội dung thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng... nhưng ông Ngô Văn Bằng và Mã Phi Bình, nguyên cán bộ địa chính xã Diên Phú vẫn tiếp nhận, xét duyệt và đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết với hai hồ sơ cho bà Thỏa và một hồ sơ cho ông Đức; dẫn đến việc UBND Pleiku cấp sổ đỏ gần 30.279m2 đất cho bà Thỏa và 16.726m2 đất cho ông Đức, làm mất tổng cộng hơn 47.000m2 đất lâm nghiệp tại tiểu khu 387 (thôn 5, xã Diên Phú) thuộc lâm phần quản lý và bảo vệ của BQL, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 345 triệu đồng.

Hoàng Cư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/ban-quan-ly-rung-phong-ho-bac-bien-ho-lam-mat-gan-2500ha-rung-ra-sao-483603.html