Ban quản lý C'Land Lê Đức Thọ: Hộ nợ tiền nhiều nhất là hơn 80 triệu đồng

Đại diện Ban quản lý tòa nhà thuộc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội - chủ đầu tư tòa nhà CT3 - 81 Lê Đức Thọ Cho biết, hiện có 16/87 hộ dân bị cắt nước, đây là những hộ dân nợ tiền phí dịch vụ từ 6/2017 với số nợ cao nhất trên 80 triệu, trung bình nợ từ 40-50 triệu.

Ngày 26/9, Infonet đã đăng tải bài viết “Cư dân treo băng rôn quanh nhà phản đối việc chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt” phản ánh việc nhiều người dân đang sinh sống ở chung cư CT3 - số 81 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị chủ đầu tư dừng cấp nước sinh hoạt.

Để đảm bảo thông tin khách quan, đa chiều, ngày 27/9, PV Infonet đã có buổi làm việc với đại diện Ban quản lý tòa nhà thuộc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội.

Nhiều cư dân ở CT3 - 81 Lê Đức Thọ đã treo băng rôn quanh nhà để phản đối việc chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt... Ảnh: Minh Thư.

Nhiều cư dân ở CT3 - 81 Lê Đức Thọ đã treo băng rôn quanh nhà để phản đối việc chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt... Ảnh: Minh Thư.

Cụ thể, liên quan đến lý do chủ đầu tư cắt nước một số căn hộ vì không đóng phí 2 năm nay, còn phía Ban quản trị (BQT) chung cư cho rằng không đóng vì BQT không ký hợp đồng quản lý vận hành với Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội mà có hợp đồng quản lý vận hành với đơn vị khác… Đại diện Ban quản lý tòa nhà dẫn quy định tại điều 27, Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo đó, bất kỳ đơn vị quản lý vận hành nào cũng phải có chức năng, năng lực và phải được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận đã có đủ năng lực.

Đồng thời, theo quy định: “Sau khi tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu thì Ban quản trị ký hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành với chủ đầu tư nếu chủ đầu tư có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư và tham gia quản lý vận hành hoặc ký với đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành khác được chủ đầu tư ủy thác”…

Vì thế, đại diện Ban quản lý tòa nhà cho biết, sau khi thành lập BQT, chủ đầu tư đã có văn bản gửi BQT và cư dân để đề nghị thương thảo, ký hợp đồng quản lý vận hành theo đúng quy định của pháp luật nhưng không biết vì lý do gì mà BQT không đồng ý và yêu cầu phải tham gia đấu thầu cùng đơn vị khác. Tuy nhiên, Công ty đã từ chối tham gia đấu thầu vì nó trái với quy định.

Mặt khác, vị đại diện Ban quản lý tòa nhà còn cho hay, hiện tòa nhà chưa phân định xong phần sở hữu chung – riêng, cụ thể là chỗ để xe ô tô ở tầng hầm.

“BQT đòi chỗ để ô tô là của chung, trong khi chúng tôi khẳng định đó là phần sở hữu riêng của chủ đầu tư bởi chủ đầu tư giữ lại không bán, không phân bổ vào giá bán căn hộ. Khoản 1 Điều 49 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định “Phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư (chủ đầu tư giữ lại, không bán và cũng không phân bổ giá trị phần diện tích thuộc sở hữu riêng này vào giá bán căn hộ cho các chủ sở hữu căn hộ)... Cư dân được ưu tiên sử dụng nhưng phải đóng phí dịch vụ, gửi xe cho chủ đầu tư nhưng BQT không đồng ý việc đó. Điểm vướng mắc này đến nay chưa được giải quyết”, đại diện Ban quản lý tòa nhà cho hay.

Cũng theo vị đại diện này, tại công văn số 12356/SXD-QLN ngày 22/12/2017 Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn rõ: “Trong thời gian hai bên chưa hoàn thành xong việc phân định sở hữu chung – riêng tại tòa nhà và chưa bàn giao công tác quản lý vận hành đề nghị Chủ đầu tư phối hợp với các bên liên quan (chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư) thực hiện quản lý, sử dụng đảm bảo công tác quản lý vận hành tòa nhà cho đến khi bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành mới được lựa chọn theo quy định…”.

Tuy nhiên, Ban quản lý tòa nhà lại cho rằng, không nhận được sự hỗ trợ từ BQT mà “BQT còn “kích động” cư dân không đóng phí dịch vụ; thậm chí, từ tháng 1/2019 đến nay, BQT tự động đứng lên thu phí dịch vụ của một số cư dân và chuyển vào tài khoản riêng của họ”.

Cùng với đó, vị đại diện Ban quản lý tòa nhà cũng khẳng định, thông tin “100% cư dân biểu quyết thay đổi đơn vị quản lý vận hành tòa nhà” là không chính xác.

Đại diện Ban quản lý cho biết, 2 năm nay chủ đầu tư cân nhắc rất nhiều các phương án để giải quyết dứt điểm vấn đề, đặc biệt ưu tiên phương án đàm phán, thỏa thuận; thế nhưng hai bên đã đàm phán không hiệu quả nên chủ đầu tư đành phải dùng đến phương án cắt nước.

“Chúng tôi khẳng định cư dân phải đóng phí cho chúng tôi thì mới mở nước lại. Số nợ phí có thể phân giai đoạn đóng, chúng tôi cũng không bắt đóng hết luôn vài chục triệu. Hoặc có thể dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, Ban quản lý và cư dân sẽ có sự cam kết bằng văn bản về việc đóng phí và mở nước thì chúng tôi sẽ mở nước trở lại cho người dân”, đại diện Ban quản lý tòa nhà khẳng định.

Cũng theo Ban quản lý tòa nhà, hiện BQT chung cư đã hết nhiệm kỳ thứ nhất, chưa bầu nhiệm kỳ thứ hai nên hết hạn hoạt động... Vì thế, cư dân đã bầu ra một người khác đại diện cho cư dân để cùng chủ đầu tư giải quyết sự việc.

“Ngày18/9 hai bên đã có buổi làm việc, song đáng tiếc chưa có kết quả vì lý do họ yêu cầu Ban quản lý mở nước vô điều kiện đối với 2 căn hộ của Trưởng BQT và Phó BQT, nhưng chúng tôi không đồng ý nếu như hai bên chưa có văn bản nào ký kết với nhau”, vị đại diện thông tin.

Theo số liệu cung cấp từ Ban quản lý tòa nhà, có 18/87 căn hộ tạm dừng cấp nước, sau đó đã có 2 căn hộ đóng tiền nên hiện còn 16 căn vẫn bị cắt nước.

Những căn hộ bị cắt nước là những căn hộ có số tiền phí dịch vụ và trông giữ xe tồn đọng, chưa đóng từ tháng 6/2017 đến nay khá nhiều, căn nhiều nhất trên 80 triệu đồng, còn lại những căn khác số tiền trung bình 40-50 triệu đồng.

Minh Thư

Từ khóa: cắt nước sinh hoạt chung cư CT3 - số 81 Lê Đức Thọ ban quản lý ban quản trị chung cư Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội.

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ban-quan-ly-cland-le-duc-tho-ho-no-tien-nhieu-nhat-la-hon-80-trieu-dong-post314564.info