Ban phụ huynh và nỗi niềm 'không có miếng lại còn mang tiếng'

Sau khi trẻ đi học ổn định, như thường lệ, phụ huynh tiếp tục chờ đến buổi họp đầu năm với tâm thế 'để xem phải đóng bao nhiêu tiền'.

Trong số những loại tiền phải đóng, một khoản thường hay khiến phụ huynh nhìn nhau. Phụ huynh lớp này nhìn sang lớp kia, phụ huynh trường này nhìn sang trường kia. Đó là quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Ban phụ huynh).

 Đầu năm học, phụ huynh phập phồng chờ đóng quỹ lớp. Nguồn: VietNamNet.

Đầu năm học, phụ huynh phập phồng chờ đóng quỹ lớp. Nguồn: VietNamNet.

Phụ huynh lăn tăn tiền quỹ lớp

Chị Lê Thị Hoa (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết những năm qua, tiền hội phụ huynh của hai con mà chị nộp thường là 500.000 đồng mỗi đứa trong một học kỳ. Cuối học kỳ, Ban đại diện có tổng kết những khoản thu - chi và thông báo cho phụ huynh.

“Đóng tiền thì đóng thôi, nhưng tôi thấy ngoài những khoản phải có thì cũng có những thứ không cần thiết. Với các con, ngoài phần thưởng học kỳ I cho cả lớp, thăm hỏi các bạn ốm nằm viện, còn có liên hoan Noel, Trung Thu, sinh nhật, quà Tết, liên hoan cuối học kỳ, đi dã ngoại, lì xì đầu năm… Rồi đến việc cả lớp được giải gì đó be bé ở trường cũng liên hoan”, chị Hoa liệt kê.

Chị Thanh Hương (quận Ba Đình, Hà Nội) kể: “Con tôi vào lớp 1 đã thấy có sẵn điều hòa của lớp trước để lại. Vậy mà đầu năm, ban phụ huynh vẫn kêu gọi lắp điều hòa mới với lý do sợ điều hòa cũ không đủ mát cho các con. Nhiều phụ huynh phản đối quá, bảo rằng khi nào hỏng thì sửa, chuyện này mới được cho qua”.

Một phụ huynh lại kể rằng trưởng ban phụ huynh lớp con chị hồi cấp 2 luôn liệt kê chi quà vào các dịp lễ tết là “hoa + phong bì” với mức từ 500.000 đồng đên 2 triệu đồng/giáo viên. Mỗi khi quỹ bị hụt, ban còn kêu gọi góp thêm.

Thế nhưng, tới năm lớp 9 vừa rồi, các phụ huynh mới té ngửa ra là những khoản chi trên không hề có, chỉ do trưởng ban tự “sáng tác” trên giấy.

“Tuy nhiên, phụ huynh phát hiện sự việc muộn, hết cấp học các con sang trường khác nên rồi cũng chẳng ai tìm mà đòi lại được số tiền quỹ 'mất tích' bí ẩn kia”, phụ huynh này kể.

Chuẩn bị đi họp phụ huynh cho con mới vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM, mấy ngày nay, chị Lan cũng khá lăn tăn. “Hôm trước, nhóm chat của lớp con tôi đã phong thanh thấy nhắc việc đóng góp mua máy chiếu, nghe đâu vài chục triệu đồng”, chị Lan nói.

Cỗ Trung Thu do Ban phụ huynh ở một trường tiểu học bày biện. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Đã không có miếng, lại còn... mang tiếng

Trong khi đó, những người từng làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh lại có nỗi niềm riêng. Chị Vũ Thùy Liên ở Hà Nội, có con đang học cấp 2, rất bất bình trước thắc mắc của một phụ huynh đưa lên mạng xã hội về thông tin tổng quỹ lớp của một trường công là 57 triệu đồng với lớp có 38 học sinh: “Không tin nổi, họ đã làm gì với quỹ lớp này?”.

“Nếu cứ nhìn vào một con số chung rồi phán xét nhiều, ít là quá phiến diện”, chị Liên nói.

Theo chị Liên, thông thường, Ban phụ huynh của lớp cũng có kế hoạch chi tiêu cho một năm học và họ sẽ phải đưa ra thảo luận tại buổi họp phụ huynh.

Con số 57 triệu đồng/năm học cho lớp có sĩ số 38 học sinh, tương đương 1,5 triệu đồng/cháu /năm là không nhiều, không ít, bởi tùy thuộc kế hoạch chi tiêu của lớp đó như thế nào.

“Đơn cử, nếu lắp điều hòa (vì trường công thì không có điều hòa, hạng mục này được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa), tiền lắp 2 cái đã chiếm gần 20 triệu.

Trong năm học, có rất nhiều khoản chi mà Ban phụ huynh phải cân đối và đa số các khoản này được phục vụ cho chính học sinh. Ví dụ mỗi kỳ, học sinh đi dã ngoại một lần hoặc cuối mỗi kỳ sẽ có khen thưởng và phần thưởng được trích từ quỹ hội, chứ ở đâu ra nữa?”.

Vị phụ huynh này cũng tính một năm học chỉ tổ chức 2-3 kỳ họp vào các đợt đầu năm, cuối học kỳ I, cuối học kỳ II. Trong những buổi đó, thông thường cuối buổi, Ban phụ huynh sẽ tặng hoa và có chút quà cảm ơn cô giáo chủ nhiệm đã vất vả trong một học kỳ.

Chị Liên khẳng định giáo viên không vì thế mà bỏ lơ trách nhiệm của người thầy, cũng không vì thế mà họ giàu thêm hay nghèo đi.

Đồng ý kiến, chị Thanh Thảo (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tin rằng đại đa số phụ huynh không bao giờ "soi" xem Ban phụ huynh đã chi tiêu những gì, đưa ra đề nghị đóng bao nhiêu là sẽ nộp luôn.

"Con tôi năm nay lên lớp 8, ở các lớp trước đây Ban phụ huynh đều làm việc rất tận tâm và rõ ràng, hoàn toàn vì các con. Tôi rất cảm ơn các bố mẹ trong Ban phụ huynh đã bỏ công sức, thời gian vì việc chung", chị Thảo cho biết

Là người có thâm niên trong Ban phụ huynh 5 năm, khi con học tiểu học, anh Trọng Thủy (Hà Nội) nhìn nhận công việc của Ban phụ huynh "không có miếng gì đã đành, lắm khi còn bị điều tiếng".

"Cũng có bố có mẹ phàn nàn khi chúng tôi thông báo về các hoạt động của các con, là sao cứ bày việc ra thế, nhưng họ không phải là số nhiều. Vì vậy, khi chúng tôi tổ chức sinh nhật, Trung Thu, Noel cho các con, dù hơi mất công, thấy các con vui và biết được nguồn gốc ý nghĩa của các ngày lễ Tết, đó cũng là sự động viên Ban phụ huynh rồi. Mình làm vì cái chung, những điều tốt đẹp nên không vì một vài người có ý kiến mà nản", anh Thủy nói.

Còn chị Nguyễn Thanh Hà (quận 3, TP.HCM) nhận xét việc đóng quỹ lớp bao nhiêu hay tổ chức hoạt động trong năm như thế nào là theo trường, lớp và tùy thuộc mức sống, mặt bằng chung của khu vực đó.

“Ban phụ huynh cũng phải cân nhắc rồi mới đưa ra mức đóng góp. Tôi cho rằng nếu phụ huynh không đồng tình, nên có ý kiến ngay; nếu vượt khả năng có thể đóng, thì góp ý với Ban phụ huynh. Mọi người không nên cứ lẳng lặng đóng ở lớp rồi đến khi về nhà lại kể lể trên mạng xã hội, mất hay”, chị Hà nêu quan điểm.

Ngân Anh - Lê Huyền/ VietNamNet

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-phu-huynh-va-noi-niem-khong-co-mieng-lai-con-mang-tieng-post1135547.html