'Bản nhạc tình người' ngân vang trên biên giới

Mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng' hiện đang được toàn lực lượng BĐBP triển khai trên địa bàn biên giới. Ở các tỉnh Tây Nguyên, xuất phát từ điều kiện thực tế và đặc biệt là tình cảm gắn bó, keo sơn giữa người lính Biên phòng với nhân dân trên địa bàn, cụm từ 'con nuôi' từ lâu đã xuất hiện ở những buôn làng xa xôi: Con nuôi của đồn Biên phòng và con nuôi của buôn làng biên giới. Điều đặc biệt, những 'mối tình' này không hề bị ràng buộc về mặt pháp lý cũng như phong tục tập quán, nhưng vẫn trường tồn theo thời gian chỉ với 'sợi dây' tình cảm vô hình mà bền chặt...

Bà Rơ Mah H’Blúp, con nuôi đầu tiên của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Thái Kim Nga

Bà Rơ Mah H’Blúp, con nuôi đầu tiên của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ câu chuyện “người mẹ” của đồn Biên phòng…

Ở làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) hiện có một người phụ nữ đơn thân người dân tộc thiểu số Jrai được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh gọi bằng cái tên trìu mến “mẹ”. Mẹ Rơ Mah H’Blúp năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng đôi mắt vẫn ngời sáng và nụ cười thì luôn nở trên môi mỗi khi gặp gỡ chiến sĩ Biên phòng. Bà Rơ Mah H’Blúp trước kia là con nuôi của một đồng chí cán bộ An ninh vũ trang hoạt động trên địa bàn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sau ngày giải phóng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được thành lập và kể từ đó, bà xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

“Không có một thủ tục hay buổi lễ nào công nhận mình là con nuôi của đồn cả. Đơn giản là tình cảm của mình dành cho đồn và các chú BĐBP ngày đó xem mình như con cháu trong một nhà nên gọi là con nuôi thôi...” - Bà Rơ Mah H’Blúp bộc bạch với chúng tôi như thế. Tuy nhiên, trong sâu thẳm trái tim của bà Rơ Mah H’Blúp, hai từ “con nuôi” đối với bà vô cùng ý nghĩa.

Chính vì vậy, thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, lời ca, tiếng hát, nụ cười của người con gái dân tộc Jrai ấy vẫn ngân vang nơi góc trời biên giới của Tổ quốc để động viên cán bộ, chiến sĩ. Rồi chuỗi ngày kham khổ nhất trong nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thời kỳ bao cấp, kể cả những năm đầu đổi mới, sự chia sẻ của các chủ nhân vùng biên giới đã tạo nên sợi dây tình cảm quân dân bền chặt, ràng buộc họ lại với nhau. Vào các dịp lễ, Tết, hay ngày truyền thống BĐBP, ngày thành lập đơn vị, bà Rơ Mah H’Blúp lại đùm đề nào là ghè rượu cần do chính tay mình làm, tấm khăn thổ cẩm do tự tay mình dệt mang lên tặng cán bộ, chiến sĩ. Bà cười vui khi nhìn thấy những người em, người con của mình trưởng thành, phát triển cao hơn và khóc nghẹn khi được tin có ai đó đau ốm.

Đã gần một nửa thế kỷ đi qua, con nuôi của đồn Biên phòng - bà Rơ Mah H’Blúp ngày này giờ đây vẫn vẹn nguyên một nẻo đường về.

Đến “Bếp ăn tình thương” chăm lo cho “đàn con nhỏ”

Có lẽ từ câu chuyện mang tên Rơ Mah H’Blúp và những ân tình sâu nặng của người dân nơi đây đã mang đến nguồn “cảm hứng” để Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh xây dựng mô hình “Bếp ăn tình thương” hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn biên giới Ia Dom.

Cũng như “cách làm truyền thống”, không nghi lễ, thủ tục rườm rà, miễn là đúng đối tượng cần được trợ giúp, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh xây dựng mô hình “Bếp ăn tình thương”, duy trì đều đặn từ 10 - 15 học sinh trong suốt hơn 5 năm qua. Cái được lớn nhất từ mô hình này không chỉ là chăm lo bữa ăn cho những học sinh nghèo, mà còn từng bước nâng cao kỹ năng sống, cải thiện chất lượng học tập cho các em. Trong sự đùm bọc, yêu thương của người lính, tất cả các em đều nỗ lực phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Năm 2017, Rơ Mah H’Win ở làng Mook Đen 1, xã Ia Dom (hiện là học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi) vinh dự được đại diện học sinh tỉnh Gia Lai ra Thủ đô Hà Nội báo công và nhận quà của Chủ tịch nước. Đặc biệt, mới đây nhất, Y Diễm ở làng Mook Trê (mồ côi cha mẹ) đã thi đậu vào Trường Đại học Huế, ngành Luật, trở thành niềm tự hào không chỉ cho gia đình, cộng đồng mà cả những người lính Biên phòng. Phía trước Y Diễm, Rơ Mah H’Win và nhiều em khác là khoảng trời tương lai rộng mở, nhưng chắc chắn, ký ức những ngày được sống trong vòng tay yêu thương của người lính, bên “Bếp ăn tình thương” sẽ không bao giờ nhạt phai trong tim các em.

Con nuôi đồn Biên phòng chan chứa yêu thương

Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) đã tổ chức khảo sát, tiếp nhận 24 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dạy tại đội công tác địa bàn. So với chỉ tiêu đề ra thì các tỉnh này đều đạt và vượt, hứa hẹn “sức sống” của một mô hình đầy tính nhân văn trên địa bàn 29 xã biên giới của 4 tỉnh Tây Nguyên.

Cháu Lê Đại Vỹ, con nuôi Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh hôm nay. Ảnh: Thái Kim Nga

Năm nay mới tròn 5 tuổi, mẹ mất từ khi vừa lên 3, cậu bé Y Phú Mlô, người dân tộc Ê Đê ở buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) côi cút sống cùng ông ngoại. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, cha bỏ đi lấy vợ khác, nên khi được Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk nhận làm con nuôi, Y Phú Mlô như cởi bỏ được nỗi ám ảnh thất học ngay từ khi chưa đi học. Thường thì với những đứa trẻ như thế, chắc chắn sẽ mất một thời gian dài để làm quen với cuộc sống mới, nhưng Y Phú lại khác, bởi em đã được các chú BĐBP quan tâm, chăm lo mấy năm nay.

Mặc dù chưa vào lớp 1, song, ngay sau khi trở thành con nuôi của đồn Biên phòng, cậu bé Ê Đê này đã được bố trí ở chung phòng với một cán bộ Biên phòng, có giường riêng, bàn ghế và góc học tập hẳn hoi. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Đỗ Văn Nhương, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, người trực tiếp nuôi dạy Y Phú cho biết: “Cháu hiếu động, rất dễ gần nên ngay sau khi về ở trong đội địa bàn là gọi chú, gọi bác. Đối với Y Phú, chúng tôi sẽ trực tiếp nuôi dạy cho đến khi cháu học hết lớp 9, sau đó sẽ tiếp tục nâng đỡ, hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”...”.

Cùng chung hoàn cảnh với Y Phú, cậu con nuôi Lê Đại Vỹ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được các chú, các bác BĐBP trang bị đầy đủ bàn ghế, giường tủ, góc học tập, đồ dùng học sinh và cả chiếc xe đạp mi ni thể thao để bước vào năm học mới. Do đã tham gia “Bếp ăn tình thương” của đồn Biên phòng từ khi vào lớp 1, nên Đại Vỹ bắt nhịp ngay với cuộc sống mới. Khi được chúng tôi hỏi chuyện, cậu bé nhanh nhảu trả lời: “Năm nay cháu lên lớp 4. Cháu hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để mang đến niềm vui cho các chú, các bác BĐBP...”.

Với cách làm phù hợp, đơn giản mà đúng đối tượng, có thể nói “khúc dạo đầu” của chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã thực sự đi vào quỹ đạo, để “bản nhạc tình người” tiếp tục ngân vang trên vùng biên giới.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ban-nhac-tinh-nguoi-ngan-vang-tren-bien-gioi/