Bán máy bay cho Mỹ, Trung Quốc niềm vui chẳng tày gang

Việc xuất khẩu J-7 đến Mỹ là một sự kiện lớn trong lịch sử hàng không Trung Quốc và cũng giúp Trung Quốc kiếm được một lượng ngoại hối. Tuy nhiên Mỹ lựa chọn J-7 Trung Quốc làm quân xanh trong các chiến dịch quân sự...

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Mỹ - Xô, hai nước đối đầu ở nhiều nơi. Từ thập niên 1960, Liên Xô bắt đầu trang bị máy bay chiến đấu siêu âm Mig-21. Loại máy bay này không những có thể không chiến tầm cao, trinh sát mà còn có thể tấn công mặt đất. Đó là loại máy bay chiến đấu thế hệ 3 có tính năng tốt. Sau hàng chục năm, nó không chỉ được trang bị cho Không quân Liên Xô mà còn xuất khẩu đến hơn 50 nước trên thế giới.

Một chiếc máy bay dòng Mig-21 với phù hiệu của Không quân Mỹ.

Trong khi máy bay Mig-21 sản xuất và trang bị số lượng lớn, Không quân Mỹ cũng bắt đầu các máy bay chiến đấu thế hệ 3 như F-4, F-5, nhưng số lượng các nước trang bị Mig-21 quá nhiều nên tạo ra mối uy hiếp thực chất cho an toàn của Mỹ và đồng minh. Nhằm mục tiêu nắm rõ công nghệ và tính năng của Mig-21, Mỹ bắt đầu tìm cách để có được máy bay này. Họ hy vọng có thể tìm ra được chỗ thiếu sót của nó để nhanh chóng giành thắng lợi khi đối đầu.

Lần đầu tiên Mỹ thực sự tiếp xúc với Mig-21 là năm 1966. Khi đó Iraq có một phi công lái máy bay Mig-21 chạy sang Israel. Sự kiện này giúp Mỹ có điều kiện hiểu kỹ càng về Mig-21.

Đến sau thập niên 1980, do quan hệ Mỹ Trung thân mật, hai nước bắt đầu bước vào thời kỳ gọi là 10 năm “trăng mật”. Để đối phó với số lượng Mig-21 quá nhiều trên thế giới, Mỹ bắt đầu tổ chức một phi đội máy bay sử dụng Mig-21 để làm quân xanh. Phi đội này phiên hiệu 4477. Trong khi đó Trung Quốc sản xuất J-7 dựa trên nguyên mẫu Mig-21 của Liên Xô đã đạt được công nghệ và tính năng không khác gì Mig-21. Đặc biệt, năm 1982, Trung Quốc được Anh giúp đã xuất khẩu thành công J-7 đến một số quốc gia. Trong quá trình sử dụng, các nước này đánh giá J-7 khá cao cho nên đã thúc đẩy Mỹ nhập khẩu loại máy bay này.

Các máy bay J-7 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ gồm có 15 chiếc J-7II và 1 chiếc J-7M. J-7II là phiên bản cải tiến với nắp che cabin mở về phía sau.

Nước Mỹ là nước duy nhất ở châu Mỹ trang bị máy bay J-7 và ngược lại J-7 cũng là máy bay chiến đấu duy nhất Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Vì J-7 là một máy bay phát triển trên cơ sở Mig-21, cho dù không mua J-7 từ Trung Quốc, Mỹ cũng có thể mua công nghệ tương tự Mig-21 từ nhiều nước khác.

Để đối phó với số lượng quá nhiều Mig-21, cuối cùng Mỹ chọn nước có quan hệ tương đối hữu hảo thời đó là Trung Quốc để cung cấp các máy bay giả tưởng quân địch. Đó cũng là một lựa chọn thích đáng.

Tuy việc xuất khẩu J-7 đến Mỹ hồi đó là một sự kiện lớn trong lịch sử hàng không Trung Quốc và cũng giúp Trung Quốc kiếm được một lượng ngoại hối. Tuy nhiên Mỹ lựa chọn J-7 Trung Quốc làm quân xanh cũng có thể gọi là một hành động một công đôi việc, không những có thể phát hiện tối đa các thiếu sót trong thiết kế và chiến thuật của Mig-21 mà còn có thể hiểu rõ hơn về tính năng tương quan của J-7 Trung Quốc. Bởi vì Mỹ biết Trung Quốc vẫn là đối thủ tiềm tàng nhất của họ. Do vậy sau khi Liên Xô giải thể, quan hệ Trung Mỹ mau chóng chuyển sang lạnh nhạt. Mà khi đó J-7 lại là máy bay chiến đấu quan trọng nhất của Không quân Trung Quốc. J-7 khi đó đã không còn gì là bí mật trước mắt người Mỹ.

Đại Dương (theo Weibo)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/ban-may-bay-cho-my-trung-quoc-niem-vui-chang-tay-gang-928689.html