Bản lĩnh và đạo đức nhà báo trong thời đại 'bùng nổ' thông tin

Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), người làm báo khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ: 'Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản'.

Bác Hồ nói chuyện với các nhà báo (tháng 9/1960). Ảnh tư liệu

Trong thời đại thông tin bùng nổ và mạng xã hội lan rộng đến “hang cùng ngõ hẻm”, lời dạy của Người đã trở thành “cẩm nang” sống cho tất cả những người làm báo chân chính, đem sức lực, tài năng, bằng ngòi bút sắc sảo, nhạy bén và tỉnh táo của mình phục vụ cho cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Người nói: “...Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”…

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu đến dự Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962 – Ảnh tư liệu

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Người muốn nhấn mạnh đến tính giai cấp, tính khuynh hướng chi phối bởi ý thức hệ của các phương tiện thông tin đại chúng. Bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng nào khi lập một chương trình, xây dựng một chuyên đề, xuất bản một tác phẩm, thể hiện một đề tài đáp ứng nhu cầu của đối tượng nghe, nhìn... đều chịu sự chi phối của định hướng chính trị.

Nhà báo Đinh Hữu Dư đã bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp phản ánh về tình hình mưa lũ tại cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Ảnh tư liệu

Trau dồi bản lĩnh chính trị chính là thước đo lòng tin của mỗi nhà báo với trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân. Chưa bao giờ các thế lực phản động lại điên cuồng chống phá Đảng ta như hiện nay. Trước tình hình đó, các nhà báo Việt Nam chân chính, bằng “bút sắc, tâm sáng, lòng trong” đã trở thành những người lính xung kích, tiên phong, dũng cảm vạch trần những luận điệu xuyên tạc, thủ đoạn, “chiêu bài” lôi kéo, kích động nhân dân của các thế lực phản động.

Tại các “điểm nóng” về lũ lụt, các sự cố như tai nạn giao thông, hỏa hoạn…, các nhà báo đã không ngại gian khổ, hy sinh, có mặt kịp thời để đưa những thông tin nhanh nhất, mới nhất tới bạn đọc và làm cầu nối để cộng đồng chia sẻ những mất mát, đau thương với người bị nạn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương tham quan gian trưng bày các ấn phẩm Báo Hà Tĩnh tại hội báo xuân Kỷ Hợi 2019

Trong cuộc chiến với tội phạm tham nhũng, các nhà báo đã âm thầm, mạnh mẽ và quyết liệt, lăn lộn tìm chứng cứ, tài liệu giúp cơ quan điều tra vạch rõ tội danh, đưa bọn chúng ra trừng trị trước pháp luật…

Nhà báo cũng là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách đến với người dân; nêu gương điển hình để lan tỏa cái hay, nhân rộng cái tốt, góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Đã có hàng trăm nhà báo được các cấp vinh danh mỗi năm; đã có hàng trăm tác phẩm được tặng giải thưởng qua mỗi mùa giải. Những tác phẩm xuất sắc được trao giải đó đã đánh giá đúng sức lao động sáng tạo, bản lĩnh chính trị và năng lực cầm bút của nhà báo trong thời đại hiện nay…

Nguyên cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh tham quan Tòa soạn hội tụ và trao đổi với Ban biên tập về những đổi mới trên các ấn phẩm.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, quan điểm của báo chí cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, nhà báo cần trau dồi bản lĩnh chính trị thì tác phẩm của mình mới đi đúng quỹ đạo của cách mạng. Nhưng muốn có bản lĩnh chính trị, trước hết, người cầm bút phải có đạo đức nhà báo. Đạo đức nhà báo trước hết thể hiện ở tính khách quan, công tâm, trung thực, không chạy đua theo lối sống thực dụng, không bị đồng tiền của kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ để “uốn cong ngòi bút” của mình.

Tiếc thay, vẫn còn xẩy ra tình trạng một số nhà báo nhũng nhiễu, làm phiền cơ sở, tống tiền doanh nghiệp, “con sâu làm rầu nồi canh”. Những phần tử vi phạm đạo đức nhà báo và mơ hồ về chính trị ấy sẽ bị các cơ quan xử lý kỷ luật nghiêm túc, để giáo dục, răn đe kịp thời thế hệ cầm bút hiện tại.

Báo Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức hội và các nhà hảo tâm khởi công nhà nhân ái cho chị Đặng Thị Liên thuộc hộ nghèo, là phụ nữ đơn thân ở xã Phương Mỹ

Không có gì vinh quang hơn khi được đứng trong hàng ngũ của những người làm báo cách mạng Việt Nam. Mỗi nhà báo càng tự hào nghề nghiệp bao nhiêu, càng ra sức trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, nghiệp vụ, thực hiện đồng thời trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo để cống hiến nhiều hơn nữa cho công cuộc cách mạng mới hiện nay.

Phan Thế Cải

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/ban-linh-va-dao-duc-nha-bao-trong-thoi-dai-bung-no-thong-tin/174467.htm