Bản lĩnh Malaysia

Quyết tâm hủy bỏ các dự án hạ tầng có vốn viện trợ từ Trung Quốc nếu không mang lại lợi ích thực sự, tân Thủ tướng Malaysia đang thể hiện thái độ rõ ràng với Bắc Kinh.

Theo dự kiến, ngày 17/8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ có chuyến thăm năm ngày đến Trung Quốc. Trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo này sẽ là yêu cầu đàm phán lại các đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hàng chục tỷ USD mà chính quyền tiền nhiệm đã ký với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm ngày 13/8, Thủ tướng Mahathir cho biết, ông muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp và hoan nghênh các khoản đầu tư từ Trung Quốc, miễn là các dự án đó có lợi cho Malaysia.

Chào đón người “bạn cũ”

Truyền thông Malaysia ngày 17/7 dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia cho biết Trung Quốc coi Thủ tướng Malaysia là một người bạn lâu năm và đáng kính trọng, đồng thời sẽ dành sự chào đón nồng ấm nhất đối với ông Mahathir trong chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới.

Thủ tướng Malaysia Mahathir trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Trung Quốc, ngày 13/8. (Nguồn: AP)

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Mahathir Mohamad trên cương vị Thủ tướng. Nhà lãnh đạo 93 tuổi khẳng định mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và chào đón đầu tư, song quyết định đình chỉ các dự án do cựu Thủ tướng Najib Razak ký kết với Trung Quốc đã phần nào khiến bầu không khí trước thềm chuyến thăm trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, đây không phải là điều quá bất ngờ với giới quan sát bởi khi tranh cử, ông Mahathir Mohamad từng tuyên bố sẽ xem xét một loạt các dự án có vốn đầu tư Trung Quốc. Đúng như vậy, ngay khi nhậm chức, tân Thủ tướng đã thực hiện lời hứa khi đình chỉ dự án tuyến đường sắt East Coast Rail Link dài 688 km và hai đường ống dẫn dầu sử dụng nguồn vốn viện trợ 22 tỷ USD từ Trung Quốc. Theo ông Mahathir, Malaysia đã quá kỳ vọng rằng các nguồn đầu tư từ Trung Quốc sẽ thiết lập hoạt động ở Malaysia, thuê mướn nhân công địa phương, mang đến vốn và công nghệ. Song thực tế không phải như vậy và ông cho rằng rõ ràng “Malaysia chẳng được gì từ dòng đầu tư đó và chúng tôi không chào đón điều này”.

Chiến lược “đổ vốn” đầu tư vào Malaysia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Najib Razak đã bị cuốn vào “lời quyến rũ ngọt ngào” của Bắc Kinh. Hồi còn nắm quyền, ông Najib đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc coi Malaysia là trọng điểm thuộc chiến lược “Một vành đai, một con đường”, đầu tư hạ tầng để kết nối thương mại từ Trung Quốc tới châu Âu và châu Phi. Trong năm 2016, hai nước đã thúc đẩy kí kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Ngay cả khi ông Najib Razak không còn tại vị, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư hàng đầu ở Malaysia: Năm 2017, vốn đầu tư Trung Quốc chiếm 7% trong tổng số 54,7 tỷ ringgit FDI. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc đã khiến không ít người lo lắng về những khoản nợ và xa hơn là ảnh hưởng chính trị từ chúng.

Cân bằng lợi ích

Ngeow Chow Bing, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malayan nhận định trong chuyến công du, Thủ tướng Mahathir sẽ phải xác định rõ: “Tương lai chiến lược của quan hệ song phương và trật tự khu vực, cụ thể là các vấn đề an ninh, kinh tế, thương mại, chính trị - ngoại giao và địa chính trị, cũng như vai trò của Trung Quốc với ASEAN và châu Á, vai trò của Malaysia trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”.

Vì vậy, ngoài mục tiêu cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, giải quyết khoản nợ khổng lồ, Thủ tướng Malaysia đã thể hiện quan điểm rõ ràng với Trung Quốc xung quanh tranh chấp trên Biển Đông. Ngày 13/8, trả lời phỏng vấn hãng tin AP về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, Thủ tướng Mahathir tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng tại đó.” Thái độ của ông khác hẳn so với người tiền nhiệm Najib Razak, người đã “ngó lơ” hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông để đổi lấy lợi ích hợp tác về kinh tế.

Xét về toàn cảnh, giới chuyên gia lại cho rằng chính quyền Thủ tướng Mahathir không thay đổi chính sách của Kuala Lumpur tại Biển Đông, dù ông có thể sẽ cứng rắn hơn với hoạt động của Bắc Kinh tại những khu vực trọng điểm gần lãnh hải quốc gia. Trung Quốc vẫn là cường quốc, bạn hàng lớn và nhà đầu tư hàng đầu tại Malaysia, do đó Kuala Lumpur sẽ không thể quay lưng hoàn toàn với Bắc Kinh, ngay cả khi tuyên bố hủy hàng loạt dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ từ Trung Quốc. Bởi vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir tới Bắc Kinh ngày 17/8 sẽ là dịp để nhà lãnh đạo này thể hiện bản lĩnh của mình khi vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa duy trì quan hệ hữu hảo với cường quốc châu Á.

Minh Phương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ban-linh-malaysia-76206.html