Bản lĩnh Đại biểu Quốc hội

Một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội là giám sát. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội chính là nhằm phát huy vai trò của cơ quan đại diện cho nhân dân, đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Ông Bùi Văn Phương- Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết.

Ông Bùi Văn Phương.

PV: Thưa ông, đoàn ĐBQH cũng như ĐBQH gần dân, biết được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Những kiến nghị thực tế của cử tri nếu được giải quyết sẽ càng khiến cử tri tin tưởng vào Quốc hội hơn. Muốn vậy, ĐBQH, hay đoàn ĐBQH phải nâng cao được vai trò của mình trong hoạt động giám sát. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Văn Phương: Trong hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH và đoàn ĐBQH thì giám sát là nội dung hết sức quan trọng. Giám sát để xem toàn bộ những chính sách của Đảng, Nhà nước đã được thể chế hóa qua vấn đề pháp luật thì cần đánh giá xem có đi vào cuộc sống hay không? Thứ nữa, khi luật pháp đã được ban hành thì các cơ quan của Nhà nước có thực thi nghiêm chỉnh luật pháp không, có đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người dân không. Đây là vấn đề rất cần đến vai trò của đoàn ĐBQH và các ĐBQH. Hay trong giám sát phải làm sao đánh giá, nhìn nhận được các cơ quan Nhà nước thực thi có đúng luật pháp không, quyền lợi của người dân có được đảm bảo hay không? Khi người dân khiếu nại, kiến nghị thì đoàn ĐBQH phải vào cuộc tiến hành giám sátđể từ đó xem quyền lợi của người dân có bị vi phạm hay không. Và sau giám sát, phải chỉ ra được những việc mà các cơ quan chấp hành chưa đúng, hiểu pháp luật như thế là chưa đầy đủ, và lợi ích quyền lợi chính đáng của người dân chưa được đảm bảo theo quy định của luật pháp. Từ đó kiến nghị phải sửa, phải làm lại, phải làm đúng cho người dân.

Có thể nói, qua những đợt giám sát như vậy chúng ta sẽ được cả 2 mặt, 2 phương diện đều được đảm bảo. Thứ nhất, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những cơ quan chuyên môn, những người làm chuyên môn nâng lên được về mặt nhận thức, hiểu thêm vấn đề, những chính sách pháp luật cần được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ. Nó khắc phục được việc hiểu vấn đề một cách cảm tính, hoặc giải quyết công việc mang tính cảm tính. Thứ hai, bảo đảm lợi ích cho người dân, qua đó người dân phấn khởi và tin tưởng. Thứ ba, chức trách được Nhà nước giao cho các vị ĐBQH, đoàn ĐBQH cũng được thực thi một cách đầy đủ.

Nhưng thực tế một số nơi, một số chỗ vai trò của ĐBQH, đoàn ĐBQH trong giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Đúng là không phải chỗ nào cũng làm tốt, không phải đoàn ĐBQH nào, ĐBQH nào cũng làm được tốt vấn đề giám sát. Ở đây có mấy vấn đề. Muốn giám sát tốt, chất lượng thì các ĐBQH phải có sự am hiểu, am tường về mặt luật pháp, và am tường về hoạt động thực tiễn. Vì có những vấn đề không chỉ nắm chắc luật pháp mà còn phải có tư duy logic, để chỉ ra những tính chất liên quan trong hệ thống pháp luật. Điều đó đòi hỏi ĐBQH cũng phải là người trải nghiệm qua thực tiễn, nếu chỉ đọc luật không thì không ăn thua. Nó giống như việc đọc được mặt này mà không đọc được mặt sau, được trang này lại thiếu trang kia, đọc được điều này còn chưa đọc được điều khác, đọc được luật này mà chưa đọc được luật khác thì rất khó, và điều đó có thể dẫn đến giải quyết không đúng. Vì ĐBQH mỗi người làm một công việc. ĐBQH của nước ta số chuyên trách không phải là đông mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Kiêm nhiệm thì ĐBQH phải dành thời gian ít nhất là 1/3 thời gian công tác trong năm cho hoạt động của Quốc hội, mất hơn 2 tháng đi họp Quốc hội, rồi đi tham dự một số sự kiện, hội thảo do Quốc hội tổ chức.

Còn lại điều kiện để dành thời gian đi sâu vào vấn đề thuộc chức trách của mình cũng ở một mức độ nào đó thôi. Đó là do tính đặc thù của hoạt động kiêm nhiệm. Chúng ta đòi hỏi ĐBQH phải nâng cao chất lượng trong giám sát nhưng cũng phảihiểu căn nguyên lý do là tại sao lại như vậy.

Thực tế thì có nhiều vấn đề nóng xảy ra ở địa phương nhưng sự giám sát của ĐBQH, đoàn ĐBQH nhiều khi lại bị chậm so với yêu cầu của thực tế đặt ra, thưa ông?

- Tôi cho rằng vấn đề bản lĩnh của ĐBQH mới là vấn đề quan trọng. Có thể thấy giải quyết vấn đề không đúng nhưng các cơ quan đã quyết rồi, bây giờ mình đứng ra có ý kiến, kiến nghị nhiều khi cũng ngại va chạm. Chưa kể nếu nắm không chắc, không am tường trong tư duy logic xử lý vấn đề có thể dẫn đến việc xử lý sai nên nhiều khi cũng ngại. Điều đó đặt ra vấn đề rằng, nếu ĐBQH không có bản lĩnh thì không dám kiến nghị. Nếu không phải là người từng trải, mà là người còn ít tuổi, độ trải nghiệm trong cuộc đời lẫn công tác chưa đủ độ thì cũng sẽ ngại va chạm, không dám nói. Cho nên vấn đề cần đặt ra chính là bản lĩnh của ĐBQH.

Có ý kiến cho rằng để các ĐBQH phát huy được vai trò của mình trong giám sát, tự đi, tự phát hiện các vấn đề bất cập thì cần giao “chỉ tiêu” cho ĐBQH là mỗi năm cần giám sát bao nhiêu vụ việc. Quan điểm của ông?

- Theo tôi, thứ nhất ĐBQH phải là người trải nghiệm, am tường và bản lĩnh thì mới làm được. Qua giám sát phải chỉ ra được những vấn đề, các bất cập để còn kiến nghị khắc phục. Nếu không đi giám sát chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thì rất là khó. Điều đó đặt ra ĐBQH phải sâu về mặt kiến thức luật pháp nhưng phải am hiểu về mặt logic trong tư duy thì mới chỉ ra được những bất cập. Chứ không am tường, năng lực yếu thì khi đến giám sát, nghe người ta giải thích là anh thấy có vẻ có lý, là đúng. Nhưng nếu là người có trình độ, trải nghiệm, am tường về kiến thức tư duy thì khi người ta đưa ra giải thích như vậy thì có thể phản biện ngược lại. Và phân tích sâu hơn, có thể chỉ ra những việc chưa chuẩn, chưa đúng. Do vậy điều quan trọng nhất chính là trình độ năng lực và bản lĩnh của ĐBQH là như vậy. Từ đó qua giám sát mới chỉ ra được những vấn đề bất cập.

Là người gắn với thực tiễn cũng như tham gia hoạt động tại đoàn ĐBQH, vậy theo ông làm sao để nâng cao được hoạt động cũng như chất lượng giám sát của ĐBQH, và đoàn ĐBQH?

- Thứ nhất về mặt thể chế, pháp lý của đoàn ĐBQH cần tiếp tục được hoàn thiện, làm sao đảm bảo tính độc lập tương đối. Vì cấu trúc đoàn ĐBQH nằm ở cơ quan này, cơ quan kia cho nên nói cũng rất là ngại. Do đó đảm bảo tính độc lập tương đối của đoàn ĐBQH với hệ thống chính quyền địa phương thì mới có thể dám nói, vì vậy cần sự độc lập tương đối chứ không phụ thuộc nhiều lắm thì người ta mới có thể thực thi được tốt hơn.

Thứ hai, ĐBQH phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, tức là ĐBQH phải hoạt động chuyên trách. Do đó, trong cơ cấu ĐBQH sắp tới phải tính toán thế nào cho hài hòa. Nhưng vấn đề gốc là cách chọn ĐBQH để đảm bảo tính chuyên nghiệp, chuyên trách ĐBQH. Cơ cấu được như vậy sẽ tốt hơn cho hoạt động của Quốc hội.

Thứ ba vai trò của trưởng đoàn ĐBQH rất là quan trọng. Nếu trưởng đoàn là người đứng đầu địa phương, nếu là Bí thư cấp ủy thì cũng phải là những người bản lĩnh, những người dám đương đầu thì mới chỉ đạo được. Nếu trưởng đoàn mà cũng ngại, không muốn đụng vào để thêm phức tạp tình hình thì cứ “đắp lại, đắp lại” để cho mọi chuyện “nó gọn” thì sẽ rất khó khăn trong hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/ban-linh-dai-bieu-quoc-hoi-tintuc414393