Bản lĩnh âm nhạc của Văn Cao

Văn Cao- một thiên tài đa dạng của nền văn nghệ Việt Nam đương đại. Ông sáng tác thơ, văn, nhạc, họa ...nhưng có lẽ tố chất thiên tài của ông tập trung và thể hiện rõ nhất trong âm nhạc. Nói đến thiên tài âm nhạc của Văn Cao chắc không ai có thể phủ nhận.

Trịnh Công Sơn, tác giả của hơn 600 ca khúc và đã tạo nên một dòng nhạc Trịnh làm đắm say không chỉ người Việt mà không ít người của nhiều quốc gia khác trên thế giới- đã suy tôn Văn Cao là ông hoàng của âm nhạc Việt Nam. Phạm Duy, tác giả của hơn 1000 ca khúc, trong đó có nhiều nhạc phẩm để đời, đã nói “những người đi sau như tôi đã học hỏi rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam… Tôi muốn công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao”.

Ngoài tố chất thiên tài âm nhạc đã được công nhận và cũng trở thành đề tài của không ít luận văn, và hàng nghìn bài báo, mổ xẻ, nghiên cứu về các sáng tác của ông còn bộc lộ bản lĩnh mà chỉ có những tài năng lớn mới có. Với bản lĩnh này đã tạo nên trong không ít tác phẩm của ông nhiều thành tựu sáng tạo vượt thời gian mà không phải lúc nào cũng được dễ dàng công nhận.

Như chúng ta đều biết tài năng âm nhạc của Văn Cao hoàn toàn là thiên phú bởi ông không kinh qua một trường lớp đào tạo chuyên môn nào. Nhưng ngay từ những ca khúc đầu tiên như “Bến xuân”, “Buồn tàn thu”, ”Suối mơ”… thì ông đã xác định được phong cách âm nhạc của mình. Cũng cần nhớ, giai đoạn Văn Cao bắt đầu viết nhạc là giai đoạn nhạc Tây Phương hay nói cụ thể hơn là nhạc Pháp bắt đầu phổ cập và dần dần được phổ biến rộng rãi tại các thành phố nước ta. Đây cũng là giai đoạn không ít nhạc sĩ đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam bắt đầu sáng tác như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước… Chính vì có bản lĩnh và xác định “viết nhạc cho người Việt nghe và hát” nên không chỉ trong ca từ đã nổi lên hình tượng vĩnh cửu của dân Việt khi mô tả người vợ thủy chung bên song cửa đan áo cho chồng chờ mùa đông đến, mà ông còn là một trong hai nhạc sĩ Việt Nam duy nhất của giai đoạn ấy, sau này và thậm chí đến bây giờ khai thác và kể lại những câu chuyện cổ tích nằm lòng của nước ta bằng âm nhạc một cách tài hoa và đầy sáng tạo. Nếu Lê Thương có tới ba ca khúc về “Hòn vọng phu” thì với Văn Cao đã tạo ra hai đỉnh cao âm nhạc với “Thiên Thai” và “Trương Chi “.

Về âm nhạc trong các sáng tác trữ tình đầu tiên này, để thể hiện hồn dân tộc trong ca khúc, Văn Cao đã sử dụng tiết điệu, khúc thức và cách xử lý của dòng nhạc ngũ cung- một dòng nhạc đã được Việt hóa từ hàng nghìn năm trong quá trình phát triển âm nhạc và được thể hiện khá rõ trong các loại dân ca nước ta. Tất nhiên qua tài năng của Văn Cao ở các sáng tác đầu tay của mình, thông qua những luyến láy, biến điệu đã làm ngũ cung ở các nhạc phẩm này có một diện mạo mới. Chính yếu tố dân tộc trong đề tài và phong cách thể hiện ở “Buồn tàn thu”, “Thu cô liêu”, “Bến xuân”… đã tạo tố chất trữ tình đặc trưng nhạc phẩm Văn Cao, làm nên sự hấp dẫn lâu bền cho người nghe trong thời buổi trứng nước của tân nhạc Việt Nam và cả sau này.

Trong di sản âm nhạc Văn Cao, nếu lược bỏ đi những sáng tác viết cho dòng hướng đạo sinh ở giai đoạn đầu khi ông tham gia nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng thì các nhà chuyên môn xác định rõ hai dòng nhạc rõ ràng. Đó là những ca khúc lãng mạn, trữ tĩnh như “Suối mơ”, “Thiên thai”… và dòng nhạc các ca khúc kháng chiến với “Hải quân Việt Nam hành khúc”, “Không quân Việt Nam hành khúc” và tiêu biểu nhất là “Tiến quân ca” ( hay còn gọi là Quốc ca Việt Nam), “Trường ca sông Lô”, và “Tiến về Hà Nội”, trong đó “Trường ca sông Lô” được xem là đỉnh cao chói lọi của âm nhạc kháng chiến nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung, một nhạc phẩm có thể đồng đẳng với mọi kiệt tác âm nhạc trên thế giới. Đây cũng chính là nhạc phẩm tập trung rõ nhất thiên tài âm nhạc của Văn Cao.

“Trường ca sông Lô” là thành tựu cho dòng nhạc kháng chiến của Văn Cao và cũng có thể coi tác phẩm này là điển hình về bản lĩnh trong sáng tạo âm nhạc của ông. Cùng với “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi 1947), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận 1949) thì “Trường ca sông Lô” hợp lại thành chùm ba nhạc phẩm tuyệt đỉnh của âm nhạc kháng chiến.

Nói về “Trường ca sông Lô” là nói đến những sáng tạo âm nhạc đầy bản lĩnh của Văn Cao. Toàn bộ tác phẩm là bức tranh oai hùng ghi lại chiến công của quân dân ta trong chiến dịch sông Lô đầu năm 1947. Bên cạnh đó là lên án sự bạo tàn của chiến tranh đã phá nát sự bình yên, hiền hòa, thơ mộng của dòng sông cùng những thôn trang dọc hai bờ sông. Trong thủ pháp nghệ thuật “Trường ca sông Lô” là biểu hiện chói sáng sự cách tân táo bạo của Văn Cao về âm nhạc.

Nhạc phẩm bất hủ này gồm sáu phân khúc âm nhạc. Nét nổi bật bao trùm lên là nét nhạc khỏe khoắn, trong sáng với một nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn cực kì tài tình. Như trên tôi đã nói, ngay từ những sáng tác đầu Văn Cao đã tỏ ra điêu luyện khi sử dụng một cách sáng tạo và cách tân nhạc ngũ thì đến “Trường ca sông Lô” yếu tố nhạc ngũ cung dường như đã được nâng lên đỉnh cao trong sự đối tỷ khi chuyển đoạn, chuyển giai điệu. Nói theo lý thuyết tân nhạc, trong “Trường ca sông Lô” không ít câu nhạc, đoạn nhạc được chuyển linh hoạt, tự nhiên từ chủ âm sang hạ át âm, từ giọng trưởng sang giọng thứ.

Với thế mạnh là một nhà thơ nên tự thân ca từ của Văn Cao luôn luôn là những áng thơ gợi cảm luôn hòa quện một cách hữu cơ với từng nét nhạc. Hầu như không một ca khúc nào của Văn Cao có sự chênh, khập khiễng giữa ca từ và nốt nhạc. Trong “Trường ca sông Lô” ngay đoạn ca từ phức hợp nhất như “vui hát ca hòa vui hát ca dân buông lưới, Phan Lương vút bóng thuyền, lều dựng bên sông, dòng người xầm uất bến Then.. mừng một mùa chiến công” cũng không có từ nào bị “méo, lệch” bởi nhạc.

Một bằng chứng nữa chứng tỏ bản lĩnh trong sáng tác âm nhạc của Văn Cao là tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” ông viết theo đơn đặt hàng của báo Sài Gòn Giải phóng vào dịp tết Bính Thìn, năm 1976. Đây là cái tết đầu tiên sau chiến thắng 1975, hàng loạt ca khúc ra đời trong dịp này như “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên, “Tiếng hát thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách… đều có nét nhạc nhanh mạnh, hành khúc theo các giọng trưởng mô tả không khí hân hoan và niềm vui của cả nước nhưng Văn Cao khi viết “Mùa xuân đầu tiên” lại chọn nhịp van êm đềm, sâu lắng như khi ông viết thành công ca khúc đề đời “Làng tôi”. “Mùa xuân đầu tiên” được xem như một ca khúc trữ tình tuyệt diệu, tài hoa... và càng ngày càng chứng tỏ đó là một tuyệt tác trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại.

“Mùa xuân đầu tiên” được viết vào năm 1976 tức là sau 25 năm kể từ khi Văn Cao viết “tiến về Hà Nội” vào năm 1951. Mặc dù sau 1/4 thế kỉ ngừng sáng tác, trong một bầu không khí hồ hởi, phấn khởi, giữa dòng nhạc hào sảng đón chào chiến thắng to lớn, Văn Cao đã chọn giai điệu hào hoa, sâu lắng, ca từ chau chuốt, nặng một chiều sâu nhân văn.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ban-linh-am-nhac-cua-van-cao-tintuc421946