Ban Kinh tế Trung ương: Dấu ấn 70 năm

Sáng 30/9, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình 'Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng' nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những mốc son quan trọng trong chặng đường 70 thành lập Ban Kinh tế Trung ương (30/9/1950 - 30/9/2020).

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh. Dự chương trình còn có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ.

Cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng

Đó là đánh giá của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Điểm lại những gì mà Ban Kinh tế Trung ương làm được trong hai cuộc kháng chiến khi phải vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Đảng nhiều chủ trương về kinh tế - xã hội, tạo nên những bước phát triển của cách mạng Việt Nam, như đường lối, chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu phương lớn vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chúng ta còn nhớ, những phong trào lớn trong sản xuất như: “Sóng Duyên Hải” trong xí nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…, đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: Quang Vinh

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: Quang Vinh

Đến hòa bình lập lại, kinh tế - xã hội của đất nước đứng trước thử thách lớn; cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp đã kìm hãm sự phát triển yêu cầu đổi mới đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim, “Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổ chức nghiên cứu thực tiễn, phát hiện mô hình, cách làm mới, góp phần tham mưu cho Đảng nhiều chủ trương có tính đột phá như chủ trương Khoán 100, Khoán 10 trong nông nghiệp, “ba phần kế hoạch” trong xí nghiệp, “bù giá vào lương”... Đây là những đóng góp quan trọng, không chỉ mở đường cho sản xuất “bung ra”, đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, khủng hoảng, mà còn đặt những viên gạch đầu tiên, quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế”, Thường trực Ban Bí thư đánh giá.

Nói về những đóng góp trong giai đoạn hiện nay của Ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cơ quan này đã tập trung nghiên cứu, hoàn thành một số lượng lớn các đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 15 nghị quyết, kết luận về những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng chiến lược… Ngoài các đề án lớn, Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành một số nghị quyết, kết luận về xây dựng và phát triển các địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa; đã phối hợp nghiên cứu, thẩm định giúp Bộ Chính trị ban hành các chủ trương, cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Từ khoán 10 trong nông nghiệp đến Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, trong nhiệm kỳ XII, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành khối lượng công việc lớn: Nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đóng vai trò nền tảng, lâu dài cho sự phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như các nghị quyết về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước; chính sách đất đai; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguễn Văn Bình ôn lại truyền thống 70 năm của Ban Kinh tế Trung ương- Ảnh: Quang Vinh.

“Một kỷ niệm khắc sâu vào tâm trí không chỉ của những người xây dựng chủ trương, đường lối mà của toàn thể đồng bào, chiến sỹ ta đó là việc chính đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp quyết định chọn số 10 cho Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội với mong mỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ như Nghị quyết về “Khoán 10” đã đạt được trước đây. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách mới gắn với xu thế của thời đại cũng đã được Ban Kinh tế Trung ương lần đầu tiên nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành, chẳng hạn như: xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia, chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bên cạnh phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với các ban Đảng, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để tranh thủ tri thức, tập hợp trí tuệ phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, để có những thành tựu to lớn trong 70 năm qua của Ban Kinh tế Trung ương, chính là sự dày công vun đắp bởi biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức với tinh thần đoàn kết, một lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, với bản lĩnh vững vàng, nắm chắc lý luận, sâu sắc thực tiễn, tận tụy, trách nhiệm, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Nhiều ý kiến thẩm định có giá trị

"Trải qua chặng đường 70 năm hình thành và phát triển với nhiều thay đổi về mô hình tổ chức cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu, đề xuất cho Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiệm kỳ này, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu 15 nghị quyết, kết luận về kinh tế - xã hội, đồng thời hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, báo cáo có tầm chiến lược giúp cho việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, tôi tin rằng thời gian tới Ban Kinh tế Trung ương sẽ khắc phục những hạn chế để tiếp tục chủ động nghiên cứu những vấn đề lớn về phát triển kinh tế- xã hội đất nước, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, tham mưu cho Đảng những chính sách giúp cho việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong đổi mới quản lý kinh tế và thúc đẩy các cơ quan hành pháp thực hiện. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội trong thẩm định, thẩm tra các báo cáo kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, những đề án trình Bộ Chính trị để tham mưu cho Đảng, Nhà nước đưa hoạt động của Ban ngày càng hiệu quả, toàn diện và có chất lượng cao hơn".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành được nhiều Nghị quyết quan trọng cho phát triển

"Trong nhiệm kỳ khóa XII, Tôi đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có 2 Nghị quyết rất quan trọng là: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Như chúng ta đã biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ, toàn diện đến tất cả các quốc gia, nhất là nước ta với độ mở lớn và hội nhập sâu rộng. Cuộc cách mạng này mở ra nhiều cơ hội; nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức; trong đó nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch cụ thể. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị là nghị quyết đầu tiên mang tính toàn diện và tổng thể về việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng này đối với nước ta.

Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết 55, đưa ra những định hướng mang tầm chiến lược cho phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết này là cơ sở quan trọng để Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, trong đó có Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện VIII)".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Mai Loan - Quang Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ban-kinh-te-trung-uong-dau-an-70-nam-508949.html