Băn khoăn với tiêu chí chọn cán bộ phải trong sáng

Thật khó chấp nhận việc một doanh nghiệp có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng như vậy vẫn được tuyên dương, khen thưởng.

Quan trọng là môi trường

Mới đây, khi đề cập tới tiêu chí tuyển chọn cán bộ vào làm việc tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), lãnh đạo Ủy ban đặt ra yêu cầu phải tuyển chọn những cán bộ đủ tiêu chí trong sáng, tự trọng và trách nhiệm.

Những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn là tâm điểm gây chú ý. Ảnh: Dân trí

Những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn là tâm điểm gây chú ý. Ảnh: Dân trí

Yêu cầu trên nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận xã hội và giới chuyên môn. GS.TSKH Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, khi "siêu ủy ban" quản lý tiền nhưng đó không phải tiền của ủy ban, không phải tiền cá nhân thì rất dễ xảy ra trường hợp buông lỏng quản lý.

Hơn nữa, khi nguồn vốn tập trung quá lớn vào một cơ quan, cũng đồng nghĩa liên quan tới rất nhiều quyền lực trong việc phân chia, điều tiết dòng vốn. Hiện nay vốn ngân sách được quản lý bằng hệ thống kiểm toán, kho bạc... mà vẫn xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, nếu kinh doanh theo cơ chế thị trường thì nguy cơ thất thoát tăng lên gấp nhiều lần, độc quyền nhà nước có thể biến thành độc quyền cá nhân. Tình trạng "chuyển từ túi áo trái sang túi áo phải", đi đêm để được ưu ái, ưu tiên cũng sẽ rất dễ xảy ra.

Do đó, việc bảo đảm 100% thành viên ủy ban phải làm việc với tinh thần như quản lý, phát triển đồng tiền của bản thân họ là yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đặt tiêu chí tuyển chọn cán bộ phải có đủ trong sáng, tự trọng, trách nhiệm nhưng quan trọng hơn là phải giữ cho được môi trường làm việc thật trong sáng, công tâm, khách quan.

Yêu cầu này không thể đòi hỏi từ một cá nhân hay một lãnh đạo là có thể làm được mà cần phải có sự đồng thuận, nhất quán của cả một tập thể, trong đó vai trò của người lãnh đạo đứng đầu mang tính quyết định.

Nếu người lãnh đạo đứng đầu nghiêm minh, nghiêm khắc, làm việc trách nhiệm, công tâm, trong sáng thì chắc chắn nhân viên cũng không dám, không thể làm sai.

Vị GS chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới những sai phạm, thất thoát nguồn vốn nhà nước thời gian qua là do có sự móc ngoặc, thao túng của các nhóm lợi ích, sự liên kết sân sau. Từ vấn đề lợi ích đã làm tha hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan, doanh nghiệp, là lý do khiến sai phạm luôn được bao che, dung túng, gây thất thoát, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nhà nước.

Vấn đề là khi nhận diện, phát hiện được những sai phạm trên thì công tác xử lý vẫn còn hình thức, chưa đủ sức răn đe.

Nêu lại các phiên xử tham nhũng, lạm quyền tại các doanh nghiệp nhà nước mới đây, vị GS khẳng định, rõ ràng đã có những cán bộ, lãnh đạo lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi tham ô, tham nhũng và đang bị xử lý nhưng vẫn còn vấn đề khiến dư luận, xã hội còn băn khoăn.

"Tôi có theo dõi buổi tổng kết của một tập đoàn nhà nước. Tại đây tôi đã thấy doanh nghiệp có những báo cáo tích cực về doanh thu, đóng góp của doanh nghiệp đối với ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tôi vẫn khó chấp nhận việc một doanh nghiệp có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng như vậy vẫn được tuyên dương, khen thưởng. Việc này không thỏa đáng, nhất là khi những sai phạm của vụ án vẫn còn chưa xử lý xong, tài sản thất thoát chưa được thu hồi", GS Phạm Phố nêu quan điểm.

Theo đó, vị GS cho rằng, để tránh tình trạng lạm quyền, vi phạm pháp luật thì phải thực hiện nghiêm minh các quy định của pháp luật.

Vì thế, ông yêu cầu, mọi quy trình tuyển chọn, làm việc đều phải thực hiện theo quy định và được pháp luật giám sát, kiểm tra. Cùng với đó, yêu cầu xử lý trách nhiệm phải rất cụ thể, rõ ràng, khi mắc sai phạm phải xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc, không bao che, dung túng, không biện minh, gỡ tội.

"Việc cần làm trước tiên là phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ không để cho các cá nhân lạm dụng quyền, chức vụ tạo liên kết, móc ngoặc hình thành nhóm lợi ích nhằm trục lợi, vơ vét tài sản của nhà nước và người dân.

Đặc biệt, khi xảy ra sai phạm phải xử lý thật nghiêm, kiên quyết loại bỏ những cá nhân, lãnh đạo có sai phạm ra khỏi bộ máy, không cho họ có cơ hội sai tiếp tục lại làm sai", GS Phạm Phố nhấn mạnh.

Công chức không được nịnh sếp không trong sáng: Khó xử quá!

Phải trong sáng nhưng...

Nhìn từ khía cạnh khác, GS Phạm Phố cho rằng, đưa ra yêu cầu về tiêu chí tuyển chọn cán bộ vào ủy ban phải trong sáng, tự trọng, trách nhiệm hay yêu cầu công chức, viên chức cũng phải trong sáng, không ganh ghét, đố kỵ là xuất phát từ thực tế cho thấy chất lượng cán bộ đang có vấn đề, đạo đức công vụ ngày càng có dấu hiệu đi xuống, rất đáng lo ngại.

"Thực tế là trong đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta lâu nay đang có những người không trong sáng, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng tư lợi, vì thế mới phải đặt ra tiêu chí, phấn đấu xây dựng được bộ máy điều hành với đội ngũ cán bộ trong sáng, công tâm, trách nhiệm.

Đây là thực tế buồn. Đó là những tiêu chí, tiêu chuẩn đương nhiên phải có của một cán bộ, công chức khi làm việc trong bộ máy hành chính công thì chúng ta lại phải kêu gọi, vận động, phấn đấu mới có thể có được", GS Phạm Phố nói.

Nguyễn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ban-khoan-voi-tieu-chi-chon-can-bo-phai-trong-sang-3374603/