Băn khoăn về một tình tiết trong Bộ luật Hình sự

'Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người' là một trong những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội giết người quy định tại điểm l, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2017.

Đại từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 1999 trang 882 giải thích “Khả năng” là: "Cái có thể xuất hiện trong những điều kiện nhất định". Trên diễn đàn khoa học pháp luật, giáo trình các trường đào tạo cử nhân luật khi viết về tình tiết này đều cho rằng: Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp: Người phạm tội có hành vi, như: Ném lựu đạn vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước nhằm giết người mà người phạm tội mong muốn. Giáo trình Trường Đại học Kiểm sát xuất bản năm 2014 viết: “Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng công cụ hoặc thủ đoạn phạm tội trong hoàn cảnh cụ thể nhất định có khả năng làm chết từ hai người trở lên”. Giáo trình Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2016 trang 75 viết: “Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng phương pháp giết người có thể gây chết nhiều người, như: Giết người bằng bom thư, bằng cách bỏ thuốc độc vào nơi chứa nước ăn của gia đình nạn nhân có thể dùng...".

Khác với tình tiết “giết nhiều người”, tình tiết giết người “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” là quy định về phương pháp có nguy cơ làm chết nhiều người chứ không đòi hỏi hậu quả chết nhiều người và cũng không đòi hỏi ý thức của người phạm tội muốn giết nhiều người.

Thực tiễn diễn biến tình hình tội phạm xảy ra cho thấy, hàng loạt các vụ giết người bằng phương pháp hắt xăng vào nhà, hắt a-xít vào người nạn nhân... đã gây xôn xao dư luận. Không ít nạn nhân chết, bị bỏng, hủy hoại dung nhan, sức khỏe, phải cứu chữa nhiều lần, mang theo nỗi ám ảnh kinh hoàng đến suốt cuộc đời.

Trong BLHS, thuật ngữ “làm chết người” được quy định ở nhiều điều, như: 134, 192, 279, 280, 349, 360, 373… Hậu quả làm chết người ở những tội này theo các tác giả Đinh Văn Quế, Trần Văn Luyện… viết trong cuốn Bình luận BLHS, Bình luận khoa học BLHS năm 2015 của Nhà xuất bản Công an nhân dân và Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông năm 2018 đều có chung quan điểm: Do người phạm tội vô ý với hậu quả. Nếu họ thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Nhưng trong trường hợp người thực hiện hành vi cướp tài sản, “mặc dù hậu quả làm chết người, dù bao nhiêu người thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản”. Hoặc sự kiện, ngày 21-1-2019, Lương Văn Tâm điều khiển xe ô tô tải của Công ty CP Sơn Alo Việt Nam, chạy trên Quốc lộ 5, khi đi đến địa phận thôn Cổ Phục Nam, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, do ngủ gật, thiếu quan sát, Tâm đã điều khiển ô tô tải đi vào làn đường dành cho xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang liệt sĩ đang đi bộ ngược chiều làm 8 người chết, 8 người bị thương. Song Lương Văn Tâm cũng chỉ bị phạt 13 năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

“Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” là trường hợp nhà làm luật xây dựng nhằm ngăn chặn, cảnh báo, xử lý những người phạm tội manh động khi sử dụng các phương pháp gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân nhưng nghiên cứu quy định này thấy băn khoăn ở những điểm sau:

Nếu hậu quả xảy ra thì việc xử lý sẽ không áp dụng điểm l khoản 1 Điều 123 BLHS, như vậy nó mâu thuẫn ngay với lời văn ghi trong điểm l, mâu thuẫn với thuật ngữ “có khả năng”. Chẳng thế mà khi viết về tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS “giết hai người trở lên” tác giả Đinh Văn Quế đưa ra ví dụ: Phạm Thanh S có mâu thuẫn với gia đình Nguyễn Hoàng L nên S có ý định giết cả nhà L. Nhân lúc gia đình L đang quây quần bên mâm cơm, S rút lựu đạn ném vào chỗ cả nhà L đang ăn cơm nhưng lựu đạn không nổ”. Mới đây ngày 15-3-2020, Đào Danh Việt, trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên rủ Lò Văn Hà mua xăng, phóng hỏa nhà em gái. Hậu quả làm 4 người chết. Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi của hai người là đặc biệt nghiêm trọng, đã phạm vào các điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS. Nếu có một người chết thì lại áp dụng các tình tiết định khung khác như tính côn đồ, tái phạm nguy hiểm, vì động cơ đê hèn… Nếu nạn nhân không chết, chỉ bị thương nhưng có tỷ lệ thương tật thì lại phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Còn nếu không có hậu quả thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng vẫn phải chịu tình tiết tăng nặng “Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS. Mặc dù không thỏa mãn yếu tố “Làm chết nhiều người” nhưng việc xử lý cũng không thể chuyển xuống khoản 2 Điều 123 (khung hình phạt nhẹ hơn) vì quy định: “Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này”.

Từ những phân tích trên, đối chiếu với khoản 1 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì nội dung điểm l khoản 1 Điều 123 BLHS là không phù hợp vì những lẽ sau:

1. Thuật ngữ làm chết người trong BLHS chỉ có điểm l khoản 1 Điều 123 quy định về mặt chủ quan là lỗi cố ý trực tiếp, còn đối với những tội khác lại là lỗi vô ý.

2. Từ thực tiễn áp dụng luật, nhiều ý kiến mong muốn được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn giải thích điều kiện áp dụng tình tiết “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”. Nếu có dịp sửa đổi, bổ sung thì nên thay cụm từ “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” thành “Bằng phương pháp có khả năng giết nhiều người” cho đúng bản chất từ “giết” trong tiếng Việt.

Đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao nên có nghị quyết bổ sung thay Nghị quyết số 04 HĐTPTANDTC/NQ ngày 29-11-1986 của Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của BLHS trong đó có tội giết người cho phù hợp với những quy định hiện tại.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/ban-khoan-ve-mot-tinh-tiet-trong-bo-luat-hinh-su-617062