Băn khoăn về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Chuẩn bị trình Quốc hội nhưng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa hoàn toàn nhận sự đồng thuận từ người trong cuộc

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (gọi tắt là dự thảo) trong năm 2019 hoặc 2020. Dự thảo này do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương với 34 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính (người chuyển giới); điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính… Dù có thêm thời gian hoàn thiện nhưng dự thảo vẫn còn không ít nội dung gây tranh cãi.

Chờ luật, người chuyển giới thiệt thòi

Trước đó, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật; cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định trong bộ luật này và các luật khác liên quan. Trong khi đó, Luật Chuyển đổi giới tính vẫn đang trong tình trạng… "xếp hàng" chờ xem xét.

ThS Nguyễn Thị Anh Thư, Trường ĐH Trà Vinh, cho rằng những nội dung nêu trên là hình thức nhằm hợp thức hóa các trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới. Điều kiện pháp luật như vậy khiến họ rơi vào hoàn cảnh hình thức ngoại hình và tình trạng pháp lý (cơ thể sinh học sau khi phẫu thuật với giấy tờ tùy thân) không khớp nhau.

Một cuộc thi sắc đẹp có ứng viên là người chuyển giới

Một cuộc thi sắc đẹp có ứng viên là người chuyển giới

Về vấn đề này, chị Mia Nguyễn - một "người trong cuộc" - cho hay ở Việt Nam, người chuyển giới chưa thể thay đổi hộ tịch, giới tính, tên khai sinh. "Trong công việc, mọi người biết đến tôi là Mia Nguyễn. Thế nhưng, tôi mang tên Nguyễn Công Đức, giới tính nam trong tất cả giấy tờ cá nhân. Làm thủ tục nhận con nuôi, từ là mẹ, tôi trở thành cha trên giấy tờ. Tôi không có quyền đăng ký kết hôn với người chồng hiện tại vì pháp luật không công nhận tôi là nữ. Gia đình tôi không được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu tài sản, con cái… như những gia đình khác. Trong khi đó, tôi là một phụ nữ hơn 10 năm nay" - chị phản ánh.

Quả thật, một khi "lá chắn" pháp lý chưa chính thức lộ diện, cộng đồng người chuyển giới vẫn khó tránh thiệt thòi. Một nghiên cứu do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thực hiện chỉ ra 45% người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP HCM bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử về giới. Chỉ 4% người tham gia khảo sát có việc làm ở khu vực chính thức. Thống kê từ Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy 78% người chuyển giới muốn phẫu thuật. Số còn lại không muốn vì nhiều lý do, như: thiếu điều kiện kinh tế, gia đình không cho phép…

Nhiều nội dung cần xem lại

Dù có thêm thời gian hoàn thiện nhưng dự thảo có không ít nội dung nhận được ý kiến phản hồi không mấy tích cực. Đặc biệt là những điều, khoản liên quan đến điều kiện đối với người chuyển đổi giới tính.

Cụ thể, điểm 5 điều 2 trong dự thảo nêu: "Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện". Như vậy, cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục. Song, như thống kê từ iSEE, không phải ai trong cộng đồng người chuyển giới cũng có nhu cầu chuyển đổi giới tính thông qua can thiệp y học. Nếu điều luật này có hiệu lực thì nhiều người chuyển giới không được hưởng lợi từ dự thảo. Nói cách khác, dù là người chuyển giới nhưng họ… không liên quan gì đến luật.

Chị Mia Nguyễn nhấn mạnh người chuyển giới khác người đồng tính. Ngoài ra, cộng đồng người chuyển giới vô cùng đa dạng - có người phẫu thuật toàn phần, có người phẫu thuật một phần; có người chỉ thay đổi ngoại hình bên ngoài.

Tại một hội thảo góp ý dự thảo, PGS-TS Ngô Thị Hường, Trường ĐH Luật Hà Nội, lưu ý nhà làm luật cần cân nhắc khi buộc người chuyển giới phải phẫu thuật hoặc can thiệp y tế. Theo PGS-TS Ngô Thị Hường, quy định như vậy chưa phù hợp với quan điểm bảo đảm quyền con người.

Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Thị Anh Thư phân tích dự thảo buộc người chuyển đổi giới tính phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hay một bệnh lý tâm thần nào khác trên cơ sở xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tuy nhiên, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ loại trừ những người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Song, những người như thế vẫn có khả năng minh mẫn, sáng suốt và nhận thức bình thường. Việc hạn chế năng lực hành vi dân sự chủ yếu là hạn chế thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, dự thảo có nên xem xét loại bỏ quyền chuyển đổi giới tính đối với họ?

ThS Nguyễn Thị Anh Thư góp ý dự thảo cần xác định rõ người có thẩm quyền xác nhận tâm lý, tinh thần của người chuyển đổi giới tính trước khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính. "Là chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần hay cả hai?" - bà Thư băn khoăn. Ngoài ra, nếu dự thảo buộc người muốn chuyển đổi giới tính điều trị nội tiết tố, tâm lý trước khi phẫu thuật thì phải quy định rõ về thời gian điều trị.

Người chuyển giới mong gì?

Như nhiều người chuyển giới, chị Mia Nguyễn mong muốn luật cần bao quát, lắng nghe "người trong cuộc". Đặc biệt, nhà trường, xã hội cần phổ cập kiến thức về đa dạng giới để cộng đồng người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số có cơ hội được hiện diện. Người chuyển giới không chỉ cần công nhận trên giấy tờ mà còn trong cả cuộc sống đời thường.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/ban-khoan-ve-du-thao-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-20190826212744693.htm