Băn khoăn tuổi nghỉ hưu

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 135/2020 quy định về tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Dù quy định về tăng tuổi hưu và lộ trình cụ thể đã được Quốc hội 'chốt' trước đó, nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Công nhân làm việc trong hầm lò rất vất vả nên họ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Công nhân làm việc trong hầm lò rất vất vả nên họ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi hưu

Theo Nghị định, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Nghị định cũng quy định nhiều trường hợp được nghỉ hưu sớm, nhưng không quá 5 năm so với tuổi quy định (nam 62, nữ 60). Các trường hợp này bao gồm: người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh xã hội ban hành.

Dù nghị định quy định rõ lộ trình cũng như từng ngành, lĩnh vực cụ thể có số năm tăng tương ứng nhưng người lao động, nhất là người lao động trực tiếp vẫn không tán thành.

Ông Phạm Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam thông tin, theo thống kê 6 tháng cuối năm 2019, trong gần 1.000 thợ lò chấm dứt hợp đồng lao động chỉ có 40 người chấm dứt ở tuổi 50, còn lại đều chấm dứt hợp đồng ở dưới 50 tuổi.

“Càng ngày, điều kiện làm việc của người thợ lò càng trở nên khó khăn hơn. Cơ giới hóa làm cho năng suất lao động cao, tiền lương nhiều hơn nhưng lại khiến thợ lò tốn nhiều sức lực hơn. Thế nên tăng tuổi hưu với nhóm đối tượng này kể cả 1 năm thêm vài tháng cũng là dài”, ông Hạnh nói.

Không chỉ là công nhân hầm lò, công nhân làm việc trong lĩnh vực độc hại không đồng tỉnh chủ trương tăng tuổi hưu mà ngay cả công nhân dệt may, da giày, thủy sản… dù không thuộc đối tượng nặng nhọc, độc hại nhưng họ là người trực tiếp sản xuất thì cũng rất khó duy trì sức khỏe đến độ tuổi theo quy định của luật để hưởng chế độ hưu trí. Thế nên người lao động cho rằng, để tuổi hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 với nam cũng đã là khó với tới rồi.

Không chỉ người lao động trực tiếp mà nhiều công chức, viên chức cũng không muốn kéo dài tuổi hưu. Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng thông tin, qua khảo sát của công đoàn ngành đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy, có tới 93% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên thể chất được về hưu ở tuổi 55 và có 97% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên mầm non về hưu 55 tuổi.

Ngay cả nhiều cán bộ khối văn phòng cũng không tán đồng tăng tuổi hưu. Chị Phạm Thị Hạnh, một cán bộ ngành Hải quan chia sẻ: Đừng nghĩ lao động trí óc hay văn phòng là không nặng nhọc. Áp lực công việc, áp lực học hỏi cái mới mới là điều đáng sợ khi lớn tuổi. Vì vậy, cần nới những quy định cho người lao động nghỉ hưu tuổi nào cũng được, chỉ là lương hưu hưởng thấp hơn để đỡ thiệt thòi cho họ.

Liệu có làm người trẻ mất cơ hội?

Tăng tuổi hưu, liệu có tước đi cơ hội việc làm cho giới trẻ hay không, là điều còn nhiều ý kiến băn khoăn.

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đã từng phát biểu trong nghị trường Quốc hội rằng cần phải xét vào từng đối tượng cụ thể của vấn đề tăng tuổi hưu. Bởi nhiều cán bộ, công chức không ham tăng tuổi nghỉ hưu. Theo ĐB Hòa, hiện nay nhiều sinh viên ra trường không có việc làm ổn định, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì mất cơ hội của họ.

“Mình ngồi chình ình ra đó thì làm sao các cháu có cơ hội vào làm việc. Hơn nữa, hiện nay cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, việc tăng tuổi như vậy ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của các cháu”, ĐB Đồng Tháp nêu quan điểm.

Ở một góc nhìn khác bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) lại cho rằng: Không lo ngại việc kéo dài tuổi hưu sẽ tác động đến thị trường lao động.

Bởi theo tính toán cũng như nhiều kết quả nghiên cứu, việc tăng tuổi nghỉ hưu không làm mất cơ hội việc làm của lao động trẻ, ngược lại điều này có thể tạo chất lượng việc làm tốt hơn, do giới trẻ cũng có “độ giãn” dành thời gian cho học tập, tập trung nâng cao trình độ, tay nghề.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ban-khoan-tuoi-nghi-huu-524828.html