Băn khoăn 'tứ bề' trong xây dựng Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045) đang được Bộ Công Thương xây dựng, dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong quý 4/2020. Đẩy mạnh năng lượng tái tạo, hạn chế nhiệt điện than, đảm bảo đủ điện trong mọi hoàn cảnh... là tinh thần cốt lõi của quy hoạch này.

Quy hoạch điện VIII xác định sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Một dự án điện mặt trời của EVN ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh

Quy hoạch điện VIII xác định sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Một dự án điện mặt trời của EVN ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh

Đẩy mạnh điện "sạch", hạn chế điện than

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận xét là được lập ra với các quan điểm khá “cứng”, từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án, thậm chí cứng cả với nhà đầu tư phát triển các dự án... Đến nay, mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ VII được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai, thực hiện.

Tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình trên 10%/năm. Dự báo, phụ tải điện vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2030 với tốc độ bình quân khoảng 8%/năm và khoảng 4% trong giai đoạn 2030-2045.

Quy hoạch điện VIII được xây dựng dựa trên 3 quan điểm lớn gồm: Đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ; phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo; hạn chế phát triển nhiệt điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ, thay vì các quy định cứng/đóng khung như trước, việc thiết kế cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trong Tổng sơ đồ điện VIII khá linh hoạt, theo hướng phát huy tối đa tiềm năng gắn với khả năng huy động nguồn lực…

So sánh quy mô nguồn điện đến năm 2030 với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng-đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII) cho biết, Quy hoạch điện VIII sẽ phát triển thêm quy mô lớn nguồn điện gió, điện mặt trời. Công suất điện gió gấp hơn 3 lần và điện mặt trời gấp 2 lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030. Khoảng hơn 17 GW nhiệt điện than nhập khẩu đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ đẩy lùi ra giai đoạn sau 2030 hoặc loại bỏ.

Chuyên gia của Viện Năng lượng cũng đưa ra một số yêu cầu công nghệ đối với nhiệt điện than. Đó là nhiệt điện than cận tới hạn chỉ được xem xét tiếp tục đầu tư cho các nhà máy sử dụng than nội nếu chất lượng than không thể đốt trong các lò cải tiến hơn. Đối với than nhập khẩu, giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên. Giai đoạn 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn trở lên. Sau 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến. Điều đó có nghĩa là, Quy hoạch điện VIII chỉ chấp nhận những dự án nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, giảm phát thải đến môi trường.

Không ít băn khoăn

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, Quy hoạch điện VIII được lập trong bối cảnh đặc biệt hơn các quy hoạch trước đó, dẫn đến có những khó khăn nhất định. Cụ thể, Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có được lập thì cũng chưa được phê duyệt như: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Riêng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 cũng được triển khai song song với Quy hoạch điện VIII. “Ngoài ra, sự bùng nổ trong việc đăng ký đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian qua cũng gây những khó khăn không nhỏ, đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp hơn trong quy hoạch thiết kế, đầu tư và vận hành hệ thống điện”, ông Phúc nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam), một trong những nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam đề nghị trong việc lập Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng cần tính ra “room” công suất dự phòng. Bởi có những dự án nhà máy điện từ khi đặt vấn đề cho đến khi triển khai được phải mất hàng chục năm, dẫn tới bị trượt ra khỏi quy hoạch. Nhìn vào lịch sử vừa qua có thể thấy, khi xảy ra tình trạng chậm tiến độ các dự án nguồn điện, giải pháp được đưa ra là đẩy quỹ công suất dự phòng ở những chỗ có thể phát triển lên. Ví dụ, với điện gió, điện mặt trời, thời gian qua Chính phủ đưa ra những “date line” để được hưởng ưu đãi, dẫn tới tạo ra các “khúc đua” cho nhà đầu tư.

“Bên cạnh đó, công nghệ hiện nay ngày càng phát triển và thay đổi, vài năm là khác đi. Viện Năng lượng nên trải đều ra tại các vị trí, có thêm các nhà máy tích điện. Việc xây dựng nhà máy tích điện nhanh hơn nhiều các nhà máy tích năng. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo lên như hiện nay thì những nhà máy tích điện rất có ích”, ông Tiến nói.

Chia sẻ ý kiến này, ông Thắng cho biết, trong Quy hoạch điện VIII cũng đã có kịch bản tính đến các rủi ro, khi các nguồn điện không vào đúng tiến độ thì làm như thế nào, xem cần bổ sung gì vào hệ thống điện. Thậm chí, đây là một trong các công việc thường xuyên. Hàng quý, hàng tháng, Bộ Công Thương, Chính phủ đều yêu cầu Viện Năng lượng tính toán, cân đối, tiến độ đưa vào thực tế của tất cả nguồn điện, đưa ra giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Với Quy hoạch điện VII, tần suất này là 3 tháng 1 lần, thậm chí cao điểm chỉ 1 tháng 1 lần.

Về công nghệ phát triển, đánh giá các DN rất quan tâm đến thiết bị tích điện, ông Thắng khẳng định, Quy hoạch điện VIII có đề cập tới pin tích điện, thủy điện tích năng. Quy hoạch điện sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng, có kết cấu, có “room”, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể quan tâm tới lĩnh vực đó. Tuy nhiên, việc vận hành như thế nào lại thuộc thị trường điện. Bộ Công Thương, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế cho phù hợp, cụ thể như về giá mua thấp điểm, giá mua cao điểm, công suất đặt, công suất dự phòng…

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ban-khoan-tu-be-trong-xay-dung-quy-hoach-dien-viii-131981-131981.html