Băn khoăn sở hữu trường tư

Mới đây, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi - phiên bản ngày 12/4/2019), các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội đã có văn bản kiến nghị tập thể tới cơ quan soạn thảo dự thảo luật này. Trong đơn kiến nghị các nhà đầu tư bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ bị tước quyền điều hành, cũng như bị tước đoạt quyền sở hữu…

Một giờ học của Trường THPT tư thục (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Một giờ học của Trường THPT tư thục (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội gồm Trường THCS - THPT Marie Curie - Hà Nội, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS - THPT Nguyễn Siêu, Trường THCS - THPT Lômônôxôp, Trường THPT Bình Minh, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Kinh Đô và Trường THPT Marie Curie - Hải Phòng đã có văn bản kiến nghị tập thể tới cơ quan soạn thảo dự thảo luật này, bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ bị tước quyền điều hành, cũng như bị tước đoạt quyền sở hữu…

Những năm gần đây, hệ thống các trường tư thục đã góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục, giảm tải trường công, đồng thời cũng đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu, thu hút người học. Nhiều nhà đầu tư cũng nhìn thấy đây là cơ hội để đóng góp cho giáo dục nước nhà. Hiện nay, trường tư thục có 2 cột trụ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường. Tuy vậy, những quy định về hai nội dung này trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình Quốc hội trong kỳ họp tới đang khiến không ít trường tư thục lo lắng.

Cụ thể, thay vì quyền được điều hành như lâu nay, nếu Khoản 3 Điều 56 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, thì Hội đồng trường có thể thay thế nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị. Trong đó, Hội đồng trường lại bao gồm cả nhà đầu tư và rất nhiều thành viên không góp vốn. Cùng với đó, theo nội dung của Điều 100 trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), có thể tước đoạt quyền sở hữu, bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành coi sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường, mà thay bằng: Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường.

Theo lãnh đạo các trường nói trên, Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục giúp thúc hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, vì vậy sự thay đổi này là không cần thiết.

Nhiều ý kiến phân tích tại hội thảo mới đây nhất về quyền của nhà đầu tư trường tư thục cũng đã nêu vấn đề: Nếu tước bỏ quyền quản trị thì các nhà đầu tư không ai dám tiếp tục đầu tư vào giáo dục nữa. Thậm chí còn có những lo lắng băn khoăn đặt ra: Nếu luật ban hành với quy định như Dự thảo hiện hành, họ sẽ rao bán trường. Dẫu thế, chưa chắc đã có ai dám mua một thứ mà họ chẳng có quyền sở hữu…

Dẫu thế, phân tích từ các chuyên gia cho rằng, giáo dục tư thục dù là bậc phổ thông hay đại học vẫn cần hướng đến mục tiêu lớn nhất, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Yêu cầu đặt ra lúc này là trong bối cảnh mới, các trường cũng phải thay đổi rất mạnh mẽ. Ưu thế của trường tư thục là tự chủ, đi liền với đó là sự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Thời gian qua chất lượng đào tạo của trường tư thục còn nhiều vấn đề cần bàn, cung cách tuyển sinh kiểu “hàng chợ” ở một số trường trong tuyển sinh đầu cấp là có thật. Độ tin cậy chất lượng của các trường đại học tư thục chưa cao do có một số thời điểm các trường tự thục làm chưa đúng. Song nếu các trường khẳng định được chất lượng, yêu cầu đặt ra là cách tiếp cận quản lý giáo dục tư thục phải thay đổi. Do đó có ý kiến nêu ra là quy hoạch hệ thống trường tư thục là cần thiết trong quá trình quản lý, bởi đây thực chất chính là việc mở ra con đường để các trường giảm về số lượng, tăng về chất lượng và sự cạnh tranh.

Với hệ thống trường tư thục (ở tất cả các bậc học hiện nay), điều nhận thấy rõ nhất là góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo ra diện mạo mới cho bức tranh giáo dục. Do đó, theo phân tích của các chuyên gia là cần tiếp nối, kế thừa những ưu điểm nổi bật, những quan điểm tiến bộ đã được thực chứng là sáng suốt và phù hợp với thực tiễn suốt 14 năm của Luật Giáo dục hiện hành về quyền sở hữu tài chính, tài sản của trường tư thục.

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Trong xu thế hiện nay, các trường tư thục muốn định vị được mình trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng kỳ vọng và sự tin tưởng của xã hội không cách nào khác phải chứng minh bằng chất lượng đào tạo. Cùng với đó, theo đại diện Ủy ban này những băn khoăn, ý kiến liên quan đến trường tư thục thời gian qua cũng như các ý kiến phát biểu tâm huyết khác sẽ được ban soạn thảo tiếp thu từng câu từng ý. Vì vậy, những nhà đầu tư nói riêng và những người quan tâm đến giáo dục rất mong việc xây dựng luật này sẽ sát hơn với thực tiễn.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/ban-khoan-so-huu-truong-tu-tintuc436784