Băn khoăn phương án cải tạo hai nút giao phía Tây sông Hàn

Dù phương án cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng và Tây cầu Trần Thị Lý với nút giao thông khác mức 3 tầng được cho là tối ưu nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Nhiều chuyên gia đồng tình với phương án 2 hầm chui tại nút giao phía Tây cầu Rồng

Nút giao ba tầng phá vỡ cảnh quan?

Từ đầu năm 2018 đến nay, để phục vụ việc triển khai cải tạo 2 nút giao thông khác mức phía Tây cầu Rồng và Tây cầu Trần Thị Lý, Sở GTVT Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức họp bàn, lấy ý kiến các cơ quan chức năng, chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế. Đồng thời, đăng tải các phương án nghiên cứu lên trang thông tin của Sở, mạng xã hội (Facebook) để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân nhằm có thể hoàn thiện và lựa chọn phương án thiết kế phù hợp.

Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, qua quá trình khảo sát, tư vấn kiến nghị chọn phương án hai hầm đơn tại nút giao phía Tây cầu Rồng. Gồm một hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2/9 (dài 120m) và một hầm nối liền Bạch Đằng nối dài - đường 2/9 đến Bạch Đằng (dài 120m). Chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên từ 110 - 135m; bề rộng mỗi hầm 8m. Đóng dải phân cách và xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao. Kinh phí xây dựng theo phương án này dự kiến 350 tỷ đồng.

Nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý được tư vấn kiến nghị chọn phương án tổ chức nút giao khác mức 3 tầng gồm: Hầm chui bắt đầu từ Bộ Chỉ huy QK5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua đường 2/9 và tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m. Cầu vượt thép thiết kế theo hướng trục đường 2/9. Phương án này có kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung, quá trình thực hiện đã nghiên cứu tính toán nhiều phương án khác nhau như: Phương án cùng mức (cải tạo hình học nút kết hợp bố trí đèn tín hiệu); phương án khác mức bằng cầu vượt; tổ chức giao thông khác mức bằng hầm chui (1 hầm, 2 hầm), hay kết hợp đồng thời nhiều giải pháp thiết kế tổ chức giao thông trong cùng phương án...

“Đối với nút phía Tây cầu Rồng, phương án khác mức với 2 hầm đơn; nút phía Tây cầu Trần Thị Lý thì phương án khác mức 3 tầng (1 tầng hầm theo hướng đường Duy Tân) là khả thi, phù hợp nhất. Các phương án này vừa thuận lợi cho việc tổ chức giao thông, vừa đảm bảo cảnh quan khu vực, ít ảnh hưởng các công trình kiến trúc lân cận”, ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo KTS Âu Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc xây dựng ACAD, giảng viên Khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, việc thiết kế nút giao khác mức 3 tầng gồm một tầng hầm, đảo xuyến, cầu vượt kết hợp xây dựng mới đường phía sau khu hội nghị tiệc cưới, kinh phí dự kiến 520 tỷ đồng sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị; chi phí đầu tư quá cao; cấu trúc giao thông theo phương thức cầu vượt vòng xuyến đã cũ và không còn sử dụng ở nước ngoài…

KTS Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường TP Đà Nẵng cũng cho rằng, đối với nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý nên chọn phương án nút giao khác mức 2 tầng gồm 1 tầng hầm với đèn điều khiển, kết hợp xây dựng mới đường phía sau khu hội nghị tiệc cưới cho giai đoạn đầu.

Còn nhiều băn khoăn

Theo KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, hai nút giao thông phía Tây cầu Rồng và Tây cầu Trần Thị Lý đang trong tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Dù thành phố đã áp dụng các biện pháp can thiệp nhưng không thể giải quyết được, ảnh hưởng khá nghiêm trọng tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố. Nút giao thông phía Tây cầu Rồng có nhiều nhánh phức tạp, nhiều điểm giao cắt vuông góc với trục đường Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng với các đường Trần Phú, Trưng Nữ Vương và đường 2 tháng 9 nên chọn phương án 2 hầm chui là phù hợp.

“Lo ngại nhất vẫn là vấn đề cảnh quan tại vị trí đặc biệt nhạy cảm này. Trong không gian khá chật hẹp, lại là nơi có nhiều yếu tố cảnh quan đô thị có ý nghĩa quan trọng như: Sông Hàn, Bảo tàng văn hóa Chăm… việc tạo ra 4 cửa hầm đòi hỏi phải có giải pháp đảm bảo mỹ quan cao”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, giải pháp tổ chức nút giao khác mức 3 tầng tại phía Tây cầu Trần Thị Lý là phù hợp do đây là trục giao thông quan trọng kết nối sân bay, các khu chức năng mới phía Tây, Tây Nam với toàn bộ các khu dịch vụ ven biển phía Đông thành phố. Tại nút giao thông giao cắt 2 trục chính 2/9 và Duy Tân lượng xe ô tô rất lớn vào các giờ cao điểm, nhất là cuối tuần.

“Khoảng cách từ chân cầu vượt đến nơi giao nhau giữa đường Tiểu La - 2/9 và lối dẫn vào khu nhà hàng tiệc cưới nguy cơ gây ùn tắc ngay trên cầu, cần chú trọng giải quyết xung đột này. Thẩm mỹ phần cầu vượt cần được chú trọng từ các yếu tố như lan can, đèn chiếu sáng, chi tiết cấu tạo… đến phần kết cấu của công trình do khi sử dụng kết cấu bằng thép dễ mang lại cảm giác... công trình tạm”, ông Hùng đánh giá.

PGS. TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc đầu tư hai hầm tách biệt tại nút giao Tây cầu Rồng cũng cần phải có phương án phân luồng từ xa để tránh xung đột, không phải chỉ giải quyết ngay tại trục chính. “Nút giao cầu Trần Thị Lý làm nút giao thông khác mức 3 tầng là hợp lý. Nhưng cũng cần xem lại là làm ngay hay phân kỳ đầu tư. Nếu với 520 tỷ đồng mà làm được nút giao 3 tầng như vậy là quá tốt”, ông Thọ nói.

Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-phuong-an-cai-tao-hai-nut-giao-phia-tay-song-han-d270795.html