Băn khoăn khi sĩ tử sẽ 'vượt vũ môn' bằng máy vi tính

Trong cuộc họp với Ủy ban Giáo dục phổ thông quốc gia dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã đề xuất việc thi THPT Quốc gia hoàn toàn bằng máy tính thay vì viết trên giấy như hiện tại, dự kiến từ năm 2021. Giáo viên và phụ huynh có con sẽ thi vào năm này hiện khá quan tâm về cách thức tổ chức thi, tính minh bạch của bài thi…

Kỳ thi cuối cùng với bút và giấy

Tại cuộc họp bàn quan trọng trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin, cơ quan này đang chuẩn bị những bước tiếp theo cho một lộ trình mới hoàn toàn liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia. Dự kiến từ năm 2021, học sinh sẽ tiếp cận với phương thức thi hoàn toàn trên máy tính, thay vì làm bài trên giấy như hiện nay.

Việc thi trên máy vi tính cần được thí điểm và bảo đảm thao tác chặt chẽ, đồng đều để tăng tính minh bạch, công bằng cho kỳ thi

Phương thức thi này được thực hiện thí điểm đến năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Thí sinh chọn hình thức thi trên máy tính có thể tham dự một số đợt thi trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả thi của đợt nào cao hơn sẽ được chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở GD Đại học, GD Nghề nghiệp tham khảo, sử dụng tuyển sinh - nếu có nhu cầu.

Về cơ bản, nội dung thi không xáo trộn lớn. Các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình. Chủ yếu là đánh giá kiến thức, kĩ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực, giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp. Đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm cho ra một đầu điểm, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, hoạt động tổ chức thi trên máy tính có tính khả thi cao. Thế giới đã nghiên cứu và phát triển cách thi này qua nhiều thập kỷ với các tổ chức khảo thí độc lập như ETs, ACT...

“Ở Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính”, Bộ trưởng Nhạ nói

Nhiều băn khoăn

Việc tiếp cận với các thao tác trên máy tính một cách thuần thục là điều mà hiện tại chưa phải học sinh nào khắp cả nước cũng có thể thực hiện được. Phổ cập máy tính vẫn còn nhiều “điểm trũng”, đặc biệt các học sinh ở địa bàn nông thôn, miền núi chưa có nhiều điều kiện để làm quen với máy tính.

Học sinh làm bài thi giấy truyền thống

Em Vũ Hà Chi (học sinh lớp 10 tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chia sẻ, mỗi học kỳ, em chỉ được thực hành ở phòng máy 5 - 6 lần trong các buổi học chính khóa và thêm một số buổi trong thời gian học nghề. Nữ sinh chưa một lần trải nghiệm việc dự thi bất kỳ bài thi nào trên máy tính, gia đình em cũng không có máy tính cá nhân để tự thực hành ở nhà. “Em cảm thấy bối rối và lo lắng nếu thi trên máy tính, chắc chắn thao tác không nhanh như các bạn đã được làm quen nhiều năm, vì vậy tốc độ làm bài sẽ ảnh hưởng”, Hà Chi chia sẻ.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh khi cho rằng, bài thi trên máy chỉ thực hiện khi trình độ, thao tác của thí sinh các vùng miền đồng đều như nhau, có như vậy mới bảo đảm tính khách quan, trung thực. Chị Lại Hoa (Q.Ba Đình, Hà Nội) có con gái năm nay học lớp 9 và sẽ tham gia thi THPT Quốc gia bằng máy tính theo lộ trình dự kiến, đề xuất: “Rõ ràng các bạn ở thành phố sẽ thuận lợi hơn những bạn ở nông thôn. Chưa kể máy móc mỗi nơi được đầu tư một kiểu, chất lượng không đồng đều. Vì vậy Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu thí điểm một vài thành phố trước, và mở rộng dần. Những nơi chưa đủ điều kiện kỹ thuật đảm bảo thi trên nền tảng máy tính thì vẫn nên để cho họ lựa chọn cách thức thi truyền thống”.

Chị Hoa cũng cho rằng, Bộ cần tiến hành cẩn trọng khi nhắc đến vấn đề “thí điểm”, bởi kỳ thi là thật, là tương lai của chính các sĩ tử, vì vậy các bước chuẩn bị cần thực hiện kỹ lưỡng, tránh sai sót dẫn đến nhiều hệ lụy về kết quả bài thi, tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng nhất cho thí sinh khi dự thi.

Đồng tình với điều này, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như tác động đến người học, đến tương lai của các em.

“Bộ GD&ĐT cần làm rõ những luận cứ về khoa học như lý do đưa ra hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm, cách thức thi như thế nào phù hợp, đảm bảo độ tin cậy và tính mục đích của kỳ thi”, ông nói. Một số giáo viên khác thì cho rằng, vấn đề “hack” thông tin cũng cần quan tâm hàng đầu khi “tin tặc” hoành hành như hiện nay. Bởi bất cẩn về dữ liệu điểm hoặc tạo mánh lới để lặp lại tình trạng mua bán điểm hoàn toàn có thể xảy ra nếu không quản trị và bảo mật tốt về mặt công nghệ. Với những lo lắng trên, chắc chắn sẽ đặt ra cho Bộ GD&ĐT không ít thách thức. Dĩ nhiên, yếu tố tiên quyết đến thành bại của kỳ thi vẫn là con người, máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ.

Chuẩn bị tốt một hệ thống đội ngũ cán bộ tâm huyết, có chuyên môn để đảm bảo thành công cho các đổi mới trong thi cử, là khâu quan trọng nhất mà Bộ GD&ĐT phải tập trung đầu tư.

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ban-khoan-khi-si-tu-se-vuot-vu-mon-bang-may-vi-tinh-post65139.html