Băn khoăn giáo viên mầm non

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về nhiều vụ việc bạo hành trẻ mầm non, đặc biệt là vụ bạo hành tập thể tại trường mầm non Mầm Xanh (TP.Hồ Chí Minh) mới đây khiến xã hội bức xúc. Vấn đề này thực sự là nỗi lo của các bậc phụ huynh nhưng cũng là bài học và áp lực nặng nề đối với đội ngũ giáo viên mầm non…

Cô giáo mầm non như người mẹ thứ hai của trẻ.

1. Cô bạn học cấp III của tôi vừa đón nhận tin vui được bổ nhiệm chức hiệu trưởng trường mầm non. Bạn bảo vui thật vì bao năm nỗ lực cống hiến phấn đấu cho ngành giáo dục đã được ghi nhận nhưng áp lực thì song hành. Nhất là giữa cơn bão của ngành giáo dục mầm non những ngày gần đây.

Bạn chia sẻ, nhiều năm làm giáo viên mầm non, từ khi cổng trường mở ra, đón những em bé đầu tiên đến trường cho đến khi trao trả cháu cuối cùng cho gia đình là khoảng 8-9 giờ làm việc căng thẳng của giáo viên mầm non. Các cô giáo tất bật ngay từ khi ngày làm việc mới bắt đầu. Riêng việc ổn định lớp để bắt đầu buổi học cũng mất khá nhiều thời gian và công sức.

Dù đã được nhắc nhở và rèn luyện thường xuyên song ở lứa tuổi này hầu như các cháu đều nhanh quên nề nếp. Vừa ổn định trẻ ngồi ngay hàng thẳng lối thì chỉ một lát, lũ trẻ lại quay sang trêu chọc nhau chí chóe, có cháu làm quen với lớp đã mấy tháng rồi mà sáng nào đến cũng khóc.

Một buổi sáng, chúng tôi tham dự giờ học của lớp mẫu giáo nhỡ trường mầm non Bin Bon (Định Công) về chủ đề môi trường. Cô giáo Thu Hà chuẩn bị khá chu đáo những tranh ảnh về vấn đề môi trường từ chuyện lau dọn nhà cửa, đến chỗ đổ rác đúng quy định, các phân loại rác… để minh họa cho bài giảng. Hơn 40 học sinh ngồi xếp ngay ngắn theo hình chữ U lắng nghe cô giáo nói về sự cần thiết của môi trường trong lành, hướng dẫn các em cách giúp đỡ cha mẹ lau dọn nhà cửa và khi tuổi còn nhỏ thì việc vứt rác đúng nơi quy định đã là một điều đáng khen. Không khí lớp học khá, sôi nổi với sự tương tác thực sự giữa giáo viên và học sinh. Nhưng thực sự không khí học nghiêm túc chỉ được khoảng hơn 20 phút là các con ngọ nguậy…

Buổi trưa, thời điểm các cháu ăn và ngủ thì cô lại bận nhất. Hết chia cơm đến nhắc nhở tiến độ ăn đến, hướng dẫn cách ăn sao cho vừa nhanh vừa sạch. Không phải cháu nào cũng được nết ăn uống nhanh gọn, sạch sẽ, nhiều cháu lười ăn, hoặc cơ thể yếu thì nhai mãi được vài miếng, mỗi cô phải bón cùng lúc cho vài cháu để đảm bảo bữa ăn kết thúc đúng giờ và quan trọng là các cháu không bị đói. Thật ra, các cháu có no, khỏe thì mới chơi ngoan được. Những chuyện xảy ra trong bữa ăn thì vô vàn, hôm nào cũng phải lau người, thay quần áo cho vài cháu sau bữa ăn.

Thông thường, khi các con ngủ thường là thời điểm các cô được nghỉ ngơi, nhưng với giáo viên mầm non, nỗi lo khác lại đến. Cô Nguyễn Quỳnh Ngọc – Trường mẫu giáo Bạch Mai giãi bày: Hầu như ngày nào cũng có cháu bĩnh ra quần, thay giặt trong những trường hợp này mất khá nhiều thời gian, cả cô và trò đều khổ. Điều nữa hết sức quan trọng là lưu ý sức khỏe các cháu khi ngủ, nhiều cháu bị lạnh ho, nôn trớ, cũng có cháu khó thở khi xoay người năm sấp…

Cô Thu Hương (Trường mầm non Hoàng Văn Thụ) chia sẻ có lẽ điều cô giáo nào cũng canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là đảm bảo an toàn cho học sinh. Từ lúc đón trẻ đến dạy học, ăn, uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ... Những áp lực ấy khiến các cô chỉ khi bước chân ra khỏi cổng trường mới có thể thở phào.

Nói về vấn đề bạo hành trẻ em mà dư luận xôn xao trong thời gian vừa qua, cô Thu Huyền (Mầm non Mai Động) cho rằng sự việc đã gây đau lòng và mất uy tín của những người làm nghề. Có đến gần 20 năm trong nghề, bản thân cô và nhiều đồng nghiệp luôn xác định yêu trẻ như con, thậm chí lo cho học sinh hơn cả con mình. Vì không may con mình có bị ngã hay xây xát gì mình hiểu chứ với cha mẹ học sinh họ khó ăn khó nói lắm. Các cô giáo đang tâm đánh đập các cháu như báo chí phản ánh, nói thật mình xem cũng thấy đau lòng và xen lẫn cảm giác xấu hổ.

Theo cô Huyền, thực ra, nghề này vừa khổ, vừa nghèo, những giáo viên mầm non mới vào nghề cũng nhiều lần chịu oan ức, không biết tỏ cùng ai. Hiện, phần lớn trường mầm non được lắp camera và kết nối với phụ huynh nên từng cử chỉ, hành động của giáo viên đều được dõi theo. “Chỉ một động tác không khéo, gây hiểu lầm thì giáo viên sẽ nhận những hậu quả khôn lường”, cô Huyền nói và kể cô từng chứng kiến đồng nghiệp bị phụ huynh chửi bới thậm tệ. Đôi lúc thấy chạnh lòng.

2. Theo thống kê của Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT đến hết năm 2014 tỷ lệ giáo viên trong biên chế của bậc mầm non là thấp nhất. Cụ thể, tỷ lệ này là 56,7%, trong đó giáo viên mẫu giáo đạt 67%. Có những giáo viên làm hợp đồng mấy năm trời, hết trường này chuyển sang trường kia nhưng vẫn chưa được tuyển chính thức, thậm chí còn bị chấm dứt hợp đồng. Lương của giáo viên hợp đồng phụ thuộc vào khả năng ngân sách và mức độ quan tâm của mỗi địa phương, khoảng từ 2-4 triệu đồng, cộng với áp lực công việc, trong khi hợp đồng lại bấp bênh (cứ 1 năm ký lại hợp đồng một lần), khiến nhiều cô giáo mầm non nản chí.

Theo cô Nguyễn Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng, giáo viên mầm non có thời gian lao động thực tế lên tới 9-10 tiếng, từ lúc đến trường là quần quật cho đến 5h chiều, thậm chí là muộn hơn nếu có phụ huynh không đến đón con đúng giờ. Một lớp có khoảng 40 – 50 cháu với 2 cô giáo vì thế muốn lớp ổn định thì cô gần như lúc nào cũng luôn tay, luôn chân…

Cũng không ngạc nhiên khi giáo dục mầm non là một trong những vấn đề nóng nhất được đặt ra tại kỳ họp HĐND của nhiều tỉnh thành trong những ngày gần đây, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh. Dư luận lên án gay gắt những hành vi bạo lực đối với trẻ em.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), trước mắt, Bộ GD&ĐT đang thực hiện nhiều động thái nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non như: kiểm tra, đánh giá năng lực đào tạo cấp cơ sở giáo dục. Cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn về giáo viên và các điều kiện cơ sở vật chất, sẽ đóng cửa. Đối với những cơ sở đào tạo sư phạm không chuyên, không hiệu quả sẽ chuyển đào tạo sang ngành nghề khác.

Cũng theo ông Minh, muốn đổi mới giáo dục mầm non, phải đổi mới đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Quan trọng nhất cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm, môi trường hoạt động sư phạm và chế độ chính sách cho giáo viên mầm non.

Vũ Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/ban-khoan-giao-vien-mam-non-tintuc388422