Băn khoăn 'gắn sao' hướng dẫn viên du lịch

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham vọng tạo cú hích để hướng dẫn viên du lịch nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ qua xếp hạng sao, tuy nhiên ở giai đoạn thí điểm vẫn còn nhiều điều băn khoăn.

Hướng dẫn viên du lịch sẽ được “gắn” saoảnh: NGUYÊN KHÁNH

Hướng dẫn viên du lịch sẽ được “gắn” saoảnh: NGUYÊN KHÁNH

XÁC ĐỊNH ĐAI ĐẲNG
Việt Nam hiện có trên 23 nghìn hướng dẫn viên (HDV) nội địa, quốc tế, tuy nhiên có tới 95% trong số này hoạt động tự do. Cho tới trước năm 2017, những người được coi là bộ mặt của các công ty lữ hành, điểm du lịch không có tổ chức nào đại diện quyền lợi cho họ. “HDV không có nơi trao đổi nghề nghiệp dẫn đến suy thoái đạo đức, nghề nghiệp”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói. Việc xếp hạng trước mắt tự nguyện, nhưng lãnh đạo Hiệp hội vận động các công ty lữ hành lớn ủng hộ. Theo đó sau khi xếp hạng có hai loại thẻ hội viên HDV, một loại có xếp hạng sao và loại còn lại chưa được xếp hạng.

Luật Du lịch 2017 quy định HDV ngoài thẻ hành nghề phải có điều kiện thuộc biên chế công ty, hoặc hội viên nhưng như thế chưa đủ, bởi ông Vũ Thế Bình cho rằng chưa có quy định ràng buộc về trình độ HDV, điều kiện cấp thẻ ngày càng thấp. “HDV nội địa chỉ cần tốt nghiệp trung cấp, chuẩn đầu vào thấp”, ông Bình nói. Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng tới lúc cần học tập các nước tiên tiến. Liên minh châu Âu dịp này hỗ trợ Hội HDV Du lịch Việt Nam-Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai chương trình xếp hạng HDV.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội HDV du lịch Việt Nam giới thiệu chương trình xếp hạng, dự kiến thí điểm tại TPHCM từ 22-24/10, sau đó lần lượt tại Hà Nội, Quảng Ninh tháng 11 và một số tỉnh thành khác trong tháng 12. Ba tiêu chí chính để đánh giá HDV: Năng lực chiếm 20% số điểm, kiến thức chiếm 50% tổng số điểm và còn lại là kỹ năng. Người đăng ký xếp hạng thi lý thuyết trắc nghiệm qua máy tính và thi phỏng vấn. HDV đạt giải thưởng trong các cuộc thi được tính điểm thưởng, HDV đạt từ 51 điểm trở lên được xếp hạng 3, 4 và 5 sao. Kết quả xếp hạng có giá trị trong vòng 5 năm. “Nhiều HDV trình độ cao, họ phải được vinh danh và xác định trở thành tiêu biểu với mức cao nhất là 5 sao. Việc xếp hạng chỉ làm tăng thêm giá trị của họ”, ông Vũ Thế Bình nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Transviet cho rằng việc xếp hạng cũng có ý nghĩa nhất định, bởi doanh nghiệp muốn hợp tác với HDV mới có thể lấy đó làm một tiêu chí đánh giá ban đầu. Du lịch Việt Nam đang phát triển, mỗi năm các doanh nghiệp cần tuyển thêm lượng HDV mới mỗi năm, xếp hạng sao là căn cứ để doanh nghiệp tham khảo. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch khác đồng tình, cho rằng HDV là một phần quan trọng của dịch vụ du lịch, việc xếp hạng giúp cho doanh nghiệp thêm căn cứ trả thù lao tương xứng năng lực và trình độ, đồng thời có hướng để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Những người chủ trì chương trình xếp hạng kỳ vọng ở việc tạo cú hích mới mẻ, hữu ích nâng cao chất lượng HDV, tuy nhiên doanh nghiệp và đội ngũ HDV còn không ít băn khoăn. “Việc xếp hạng tùy thuộc vào nhìn nhận của HDV, doanh nghiệp có nơi thấy cần, nơi không. Nói thật nếu HDV đang nhiều việc rồi thì họ sẽ thấy xếp hạng không cần thiết, bởi mục đích cuối cùng là nhận được nhiều việc, việc ngon và lương cao”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói. Ông phân tích, sau khi HDV được xếp hạng doanh nghiệp muốn hợp tác vẫn phải phỏng vấn để đánh giá lại bởi thái độ là tiêu chí rất khó để chấm điểm, xếp hạng: Lúc thi thể hiện thái độ tốt, nhưng thực tế lại thiếu chu đáo, cẩn thận. Thái độ của HDV chỉ có thể đánh giá được qua phản hồi của các đoàn khách, quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp với HDV.

Dưới góc độ người trực tiếp hành nghề, HDV Đào Mạnh Cương cho rằng xếp hạng HDV chuẩn nhất là do doanh nghiệp đánh giá. “HDV ai cũng phải làm đúng quy định của công ty, công ty trực tiếp trả lương theo ý kiến của khách hàng. Nghề này hơi đặc thù, không thể một cộng một bằng hai được”, anh Cương nói. HDV Vũ Kiên Cường-một trong những HDV được đánh giá có kiến thức tốt- thừa nhận việc xếp hạng có thể giúp các HDV nhìn vào để phấn đấu trong công việc. Tuy nhiên anh cũng băn khoăn bởi việc xếp hạng không dễ vì “mỗi người một vẻ, người kiến thức tốt, người có kỹ năng giỏi”. Chưa kể có lúc “hên xui” gặp đoàn khách không dựa trên đánh giá kiến thức của HDV tốt hay không, họ lại thích sự trẻ trung năng nổ ở các hoạt động nhóm.

Không có chuyện “học tủ”
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định chương trình xếp hạng không phải cuộc thi nên không có chuyện ôn thi, học tủ. “Đây chỉ là đợt kiểm tra, sát hạch trình độ HDV nên không có chuyện dạy học hay ôn thi. Việc đánh giá này là dựa vào các tiêu chí tổng hợp trình độ của người hướng dẫn”, ông Bình nói. Lãnh đạo Hiệp hội cũng cho biết, Hiệp hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký thỏa thuận trong đó Tổng cục giao Hiệp hội hỗ trợ dạy nghề du lịch, nâng cao chất lượng nghề. Dù không có chuyện “ôn thi”, nhưng Hội HDV du lịch cũng tổ chức các khóa tập huấn nâng cao cho các hội viên.
Sau HDV, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự kiến xếp hạng nhiều nghề khác trong lĩnh vực du lịch.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/ban-khoan-gan-sao-huong-dan-vien-du-lich-1332279.tpo