Băn khoăn du lịch làng cổ Lộc Yên

Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, là một trong những điển hình về văn hóa làng của vùng quê bán sơn địa Quảng Nam. Làng nằm giữa địa hình sông, suối, núi đá và ruộng đồng.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, ở Lộc Yên có thể tìm thấy được “hồn Việt” thông qua hình ảnh các ngôi nhà cổ với tư thế “hổ ngồi”, được bao bọc dưới tán vườn rừng, ruộng đồng và những ngõ đá tinh tường, kỹ xảo; giếng nước, những hàng chè tàu thẳng tắp, xanh mướt, cùng những cánh đồng bậc thang độc đáo.

Đặc biệt, đến nay, làng còn tồn tại hơn 20 căn nhà cổ, được chạm trổ hết sức sống động và tinh tế, có tuổi đời từ 100-150 năm là điểm nhấn đặc sắc. Cũng vì thế, năm 2019, làng cổ Lộc Yên được Bộ VH,TT&DL công nhận Di tích cấp Quốc gia.

Ngôi nhà cổ của ông Mão ở làng Lộc Yên.

Ngôi nhà cổ của ông Mão ở làng Lộc Yên.

Tháng Giêng, chúng tôi về làng cổ Lộc Yên và cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình của làng quê vùng trung du xứ Quảng. Bên trong căn nhà cổ có tuổi đời hơn 150 năm, bà Nguyễn Thị Kim Sương (58 tuổi) chia sẻ, gia đình bà là thế hệ thứ 5 sinh sống trong ngôi nhà cổ này.

Ngôi nhà được làm từ gỗ mít theo dạng nhà truyền thống 3 gian, 2 chái, nằm giữa khu vườn rộng hơn 10.000m2, bạt ngàn màu xanh của bòn bon, vú sữa, chuối, nhãn lồng...

“Thời gian gần đây, du khách đến tham quan nhà tôi nhiều lắm, nhất là vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Đặc biệt, trong những ngày Tết Canh Tý vừa qua, trung bình mỗi ngày có vài trăm lượt khách đến tham quan căn nhà cổ”, bà Sương cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Sương, du khách đến làng cổ, vào nhà cổ đa phần chỉ chụp hình lưu niệm rồi về, do đó những chủ nhân nhà cổ như bà thật sự chưa cảm thấy mặn mà khi đón khách, vì không có lợi ích gì thiết thực từ việc phát triển du lịch cả. Cách nhà bà Sương không xa là căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi của ông Đồng Viết Mão (82 tuổi).

Trước nhà ông Mão có cội mai già, dù đã hết Tết, song vẫn còn trổ bông vàng rực cả khoảnh sân nên nhiều du khách đến đây rất thích thú. Cùng tâm tư như bà Sương, ông Mão nói rằng, trung bình mỗi ngày gia đình ông đón tiếp vài trăm du khách đến tham quan nhà cổ; nhưng khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm rồi về.

“Có người trả cây mai trước nhà tôi mấy chục triệu rồi, nhưng tôi không bán. Tôi để lại cây mai tạo điểm nhấn cho ngôi nhà cổ, để du khách đến tham quan, chụp hình. Nhưng nói thiệt là thu nhập từ việc làm du lịch chỉ là con số không. Tôi sống nhờ vào tiền trợ cấp người cao tuổi và tiền bán các loại trái cây trong vườn thôi”, ông Mão chia sẻ…

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết, trên địa bàn huyện có 4 di tích quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh, đặc biệt làng cổ Lộc Yên, quần thể di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, danh thắng Lò Thung… chỉ nằm trong bán kính 2km là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Chỉ tính trong 2 năm 2018-2019, có khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích, trong đó khách quốc tế khoảng 500 lượt, còn lại khách trong nước. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó “vùng lõi” du lịch là làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận, huyện Tiên Phước xác định xu hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn, lấy không gian làng cổ Lộc Yên làm điểm nhấn.

Đồng thời, kết hợp phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, như ẩm thực đặc trưng Tiên Phước, các sản phẩm đặc sản của địa phương gồm bòn bon, tiêu, chè, dó trầm, mít…

Hiện nay, huyện đã hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện hỗ trợ người dân thiết kế, xây dựng 6 homestay, trong đó tại làng Lộc Yên 3; xã Tiên Châu 2 và thị trấn Tiên Kỳ 1 homestay. Dự kiến tháng 8-2020, các sản phẩm homestay này sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Cũng theo ông Huy, tháng 1-2020, UBND huyện Tiên Phước đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Thiên Minh về hỗ trợ phát triển du lịch tại làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận. Theo thỏa thuận, tập đoàn này hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái và hoạt động sản xuất của người dân địa phương; phối hợp tổ chức khai thác các tour, tuyến du lịch tại làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận…

Riêng về vấn đề thu phí tham quan các di tích tại huyện Tiên Phước, huyện đã có công văn gửi Sở VH-TT&DL để xem xét trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh Quảng Nam cho phép thu phí, bán vé thí điểm tại làng cổ Lộc Yên.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/ban-khoan-du-lich-lang-co-loc-yen-581793/