Băn khoăn 'cơn mưa' học sinh giỏi: Không đáng tin vì...

Khi một kết quả đi ngược với quy luật sẽ khiến dư luận hoài nghi, vì thế, phụ huynh băn khoăn vì 'cơn mưa' học sinh giỏi cũng là dễ hiểu

Khi thước đo lộn ngược

Mới đây, một phụ huynh lên tiếng chia sẻ băn khoăn khi biết kết quả chung của cả lớp con mình có tổng số 50 học sinh thì có tới hơn 40 học sinh giỏi. Nhận được kết quả trên, lúc đầu vị phụ huynh còn tưởng mình nghe nhầm, sau xem lại bảng điểm photo cô giáo phát mới dám tin là thật.

Về phần con mình, ban đầu chị chỉ kỳ vọng con đạt điểm 8 là vui rồi nhưng khi thấy bảng điểm tổng kết tất cả các môn con gần đạt 9.0, thì vượt ngoài niềm vui, vị phụ huynh này lại thấy băn khoăn, thắc mắc, không thật sự dám tin con mình lại giỏi thế.

Không thể đánh giá năng lực học sinh chỉ dựa trên bảng điểm. Ảnh minh họa

Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ sự đồng cảm với vị phụ huynh trên đồng thời cho rằng đây là tâm tư chung của hầu hết các phụ huynh hiện nay.

Nhìn theo góc nhìn toán học, GS Phạm Tất Dong cho biết, khi thống kê số đông, số lớn thì luôn cho chúng ta một kết quả của hình chuông.

Số kém nhất rồi đến khá, khá trung bình rồi đến giỏi nhất. Tức là tỉ lệ giỏi nhất và kém nhất sẽ luôn là hai đáy của chuông.

"Tuy nhiên, theo kết quả vị phụ huynh vừa nêu rõ ràng tỉ lệ học sinh giỏi lại đang đứng trên đỉnh của chuông là bất hợp lý. Một ví dụ khác cho dễ hình dung là khi may đồng phục quần áo cho số đông, bao giờ tỉ lệ quần áo cho người thấp nhất và cao nhất cũng là ít nhất, số người trung bình sẽ có tỉ lệ nhiều nhất. Như vậy mới đúng quy luật của số đông.

Đứng ở góc độ toán học thì kết quả tỉ lệ học sinh giỏi mà phụ huynh nêu là không đáng tin. Khi tất cả học sinh đều giỏi hết, không ai yếu, kém thì tin làm sao được", PGS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Còn bệnh thành tích sẽ còn "giỏi chung"

Theo vị GS, khi một kết quả đi ngược với quy luật sẽ khiến dư luận hoài nghi, thiếu lòng tin và như vậy, khi nhìn vào kết quả đó phụ huynh thay vì vui lại băn khoăn, lo lắng là điều dễ hiểu.

Ông cho biết, ngày trước, dù áp lực học tập không nặng nề như bây giờ nhưng học sinh rất có ý thức và đã là học sinh giỏi thì đó đều là những học sinh có trình độ, nhận thức giỏi thật sự.

Một lớp học, khó khăn lắm mới có được vài ba học sinh đạt được danh hiệu học sinh giỏi, còn lại đa số là học sinh tiên tiến, khá và trung bình, yếu.

Tuy nhiên, bây giờ ông cũng thấy ngạc nhiên khi học sinh giỏi bỗng nhiên trở thành quá phổ biến, trong khi học sinh yếu, kém rất hiếm còn học sinh tiên tiến lại trở thành cá biệt. Ông cũng băn khoăn chẳng nhẽ nền giáo dục của chúng ta lại tốt thế hay học sinh của chúng ta đều quá xuất sắc?

Theo vị GS, trong một môi trường giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như Việt Nam mà tự nhiên lại có một kết quả hoàn hảo như thế thì khó mà vui cho được.

"Khi tất cả đều giỏi chung, thì con mình có giỏi cũng là bình thường, không có gì là vinh dự nữa. Vì thế, phụ huynh mới lo", GS Phạm Tất Dong nói.

Luật Giáo dục sửa đổi: Đừng để dạy tất cả làm quan!

Lý giải thêm về hiện tượng trên, vị GS cho rằng, đó chính là kết quả của căn bệnh thành tích. Để có thành tích trong đánh giá, thu đua, khen thưởng, có không ít trường quy định giáo viên chủ nhiệm phải đăng ký tỉ lệ học sinh giỏi trong lớp. Và để đạt được tỉ lệ đó, không cách nào khác, các giáo viên phải giúp nhau nâng điểm để đạt cho đủ, thậm chí vượt cả chỉ tiêu học sinh giỏi đăng ký để lấy thành tích.

"Vì thế, nhiều phụ huynh mới lo lắng không biết con mình đạt học sinh giỏi nhưng có giỏi thật sự không? Bởi, tỉ lệ học sinh giỏi mà lớp, trường đạt được không phải do ý chí khách quan mà lại được tạo nên từ ý chí chủ quan, từ mong muốn của giáo viên, của nhà trường.

Học sinh giỏi cũng vậy, khi còn lấy tỉ lệ học sinh giỏi làm tiêu chí đánh giá thi đua thì sẽ còn hiện tượng cả nhà cùng giỏi và không có người kém", vị GS quan ngại.

Theo vị GS, nếu muốn đo học sinh giỏi thì có rất nhiều cách để đánh giá. Nhưng, đánh giá của thầy, cô giáo đứng lớp dạy trực tiếp, những người dạy học sinh của mình hàng ngày chính là đánh giá chính xác nhất.

Ông nói thẳng, không thể chấp nhận một học sinh giỏi mà trên lớp thầy cô giảng bài học sinh lại không hiểu biết gì được. Vì thế, không thể đánh giá chất lượng ngành giáo dục, đánh giá chất lượng học sinh giỏi nếu chỉ dựa vào kết quả bảng điểm được.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/ban-khoan-con-mua-hoc-sinh-gioi-khong-dang-tin-vi-3372615/