Băn khoăn chương trình sữa học đường

Việc Hà Nội muốn đưa chương trình Sữa học đường áp dụng cho các học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn TP đang khiến dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, chương trình Sữa học đường được HĐND TP Hà Nội thông qua từ ngày 5-7-2018.

Hà Nội muốn đi tiên phong

Cụ thể, Hà Nội kỳ vọng cải thiện được tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học (HSTH) thông qua uống sữa hằng ngày, đến năm 2020 có trên 90% trẻ mẫu giáo và HSTH trên toàn TP được uống sữa học đường. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở lứa tuổi này giảm xuống dưới 5,5%; tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của mẫu giáo giảm xuống 13,5% và HSTH trung bình giảm 0,2%/năm. Phấn đấu chiều cao trung bình trẻ 6 tuổi tăng từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010.

Chương trình sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020 trên tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh (PH). Sở GD-ĐT cũng đã gửi văn bản đến từng trường tiểu học, mầm non thông báo về việc này.

Hiện TP chưa gút lại đơn vị nào tham gia sản xuất và cung ứng sữa học đường dành riêng cho học sinh thủ đô. TP đã mở thầu, nhận được gần 10 đăng ký của các hãng sữa. Sau khi đóng thầu vào ngày 1-10 và lựa chọn đơn vị phù hợp, bảo đảm các yêu cầu đặt ra cho sản phẩm, TP sẽ tổ chức họp báo thông tin và cam kết chất lượng với PH.

PGS-TS Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết không phải cứ trẻ em TP là đủ chất. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy tỉ lệ thiếu máu của HS TP là 20%-25%; thiếu kẽm là 50% ở HS TP, 70% HS nông thôn, 80% HS miền núi; tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi hiện là 24%, vẫn ở mức cao so với thế giới. "Sữa là 1 trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hằng ngày, có mặt trên tất cả các tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Do đó Viện Dinh dưỡng khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa/ ngày, trẻ 6 - 7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9 - 11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa. Với trường nào có sẵn sữa sẽ chuyển đổi sữa đang có thành sữa chua hoặc phô mai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng để trẻ bị béo phì.

Chương trình Sữa học đường đang được Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoănẢnh: Vinamilk

Nhiều luồng dư luận

Theo chị Nguyễn Thị Huyền, một bà mẹ có con theo học tại một trường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phát cho PH bản đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường. Nhà trường giải thích đây là chương trình nhằm nâng cao dinh dưỡng, tầm vóc trẻ em, HS sẽ được uống sữa tươi có đường hoặc không đường, mỗi ngày 1 hộp sữa 180 ml và sẽ uống 5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần. Nhiều PH không đồng ý với đề xuất này nhưng lại lo rằng nếu không đăng ký, con sẽ bị phân biệt đối xử hoặc trở thành đặc biệt theo cách bất đắc dĩ.

"Vấn đề quan tâm nhất của tôi cũng như nhiều PH khác là chất lượng của sữa được sử dụng. Có thể thời gian đầu sẽ bảo đảm được chất lượng nhưng về lâu dài sẽ rất khó trong việc quản lý" - chị Huyền chia sẻ.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Nhân, có con 5 tuổi đang theo học một trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay con gái chị từ bé đã kén ăn uống, ngay cả sữa cũng phải chọn mấy loại con thích thì mới chịu uống. "Các con đã quen với sở thích uống một loại sữa nhất định, nếu theo chương trình này thì hiện TP còn chưa chọn được loại sữa cố định nào, nên nếu con không thích hoặc không uống được thì khó" - chị Nhân bày tỏ.

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về lý do vì sao Hà Nội phải đặt hàng riêng cho sữa học đường, lẽ nào công thức sữa trên thị trường không bảo đảm? Việc làm công thức sữa riêng sẽ có giá riêng, việc kiểm soát sẽ ra sao…?

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với chủ trương trên của Hà Nội, nhiều PH khác lại cho rằng việc đưa chương trình Sữa học đường áp dụng ở Hà Nội là hợp lý và tiết kiệm hơn.

Chị Phạm Thị Quỳnh, đang có 2 con theo học ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy nhận định: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, khi đưa sữa vào trường cho các con sử dụng thì nhà trường cũng như các cơ quan chức năng khác đã kiểm định chất lượng rồi. Hơn nữa, còn được trợ giá đến 50% thì không có lý do gì để phản đối cả, việc này còn tiết kiệm cho các PH một khoản tiền vì bình thường các con cũng uống sữa với giá sữa tương đương giá sữa của chương trình".

Một PH khác phân tích nếu theo giá của chương trình thì một tô phở tính ra bằng gần 2 tháng sữa học đường. PH không tiếc tiền ăn nhậu, mua sắm nhưng đóng cho con 70.000 đồng tiền sữa học đường/tháng sao cứ phải băn khoăn đặt ra thật nhiều câu hỏi.

HUY THANH - NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/ban-khoan-chuong-trinh-sua-hoc-duong-20180927212550047.htm