Băn khoăn cao tốc Bắc - Nam: ĐBQH sẽ chất vấn tới cùng

'Chúng tôi sẽ chất vấn, tranh luận cho tới khi mọi băn khoăn được ngã ngũ...'

ĐBQH sẽ tranh luận

Liên quan tới hàng loạt đề xuất xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam của Bộ GTVT, nhiều ĐBQH cho rằng, còn nhiều điểm cần phải thảo luận, làm rõ.

Nhiều băn khoăn về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Cụ thể, đối với đề xuất tách 8/11 dự án thành phần để kêu gọi BOT. 3 dự án còn lại là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, có hai vấn đề cần phải làm rõ.

Thứ nhất, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng là rất cần thiết, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT.

Ở đây, Bộ GTVT đang kêu gọi vốn đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc - Nam. Về nguyên tắc, việc xác định đặt các trạm BOT phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, các trạm BOT không được phép đặt trên các tuyến đường độc đạo. Phải trả cho người dân quyền lựa chọn muốn mất tiền đi đường tốt hay không mất tiền đi đường xấu hơn.

"Doanh nghiệp không có quyền ép người dân phải sử dụng đường cao tốc. Việc thu phí cũng chỉ được thu trên tuyến đường cao tốc đầu tư mới nhưng vẫn phải đảm bảo phương án cho người dân được lựa chọn sử dụng dịch vụ khác song song", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thứ hai, đề xuất sử dụng ngân sách đầu tư sau đó thu phí như BOT là rất khó hiểu.

"Tôi không hiểu ý của Bộ GTVT là như thế nào? Sẽ sử dụng 100% ngân sách đề đầu tư hay sẽ đầu tư theo hình thức nào? Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn là phải cân nhắc rất kỹ vì những lý do sau:

Nguồn quỹ ngân sách hiện rất khó khăn, do đó, những gì xã hội làm được phải trả cho xã hội. Nhà nước chỉ can thiệp ở những lĩnh vực xã hội không thể làm được.

Nguồn ngân sách nên ưu tiên giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách hơn, phục vụ những mục tiêu phát triển dân sinh tốt hơn.

Vấn đề tiếp, việc sử dụng ngân sách, cũng là mượn tiền thuế của dân đi đầu tư rồi lại thu phí như BOT là không minh bạch. Tôi không biết nếu đầu tư như vậy Bộ GTVT sẽ tính toán thế nào? Thu phí ra sao?", ông Tuấn nêu.

Liên quan tới tổng mức đầu tư của dự án được đề xuất khoảng 118.716 tỉ đồng, được cho là quá thấp để dễ thông qua, ông Tuấn cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc.

"Không thể để tình trạng đội vốn vô tội vạ được, do đó, yêu cầu thẩm định, đánh giá dự án phải sát ngay từ đầu. Chắc chắn, Quốc hội sẽ chất vấn, lên tiếng mạnh mẽ nhằm chỉnh đốn nghiêm tình trạng này", ông Tuấn nói rõ.

Theo đó, vị ĐBQH đoàn TP.HCM cho biết, tại diễn đàn Quốc hội ông sẽ có những ý kiến, tranh luận để được làm rõ những khúc mắc liên quan tới dự án này.

Tương tự, ĐBQH đoàn Hà Nội - Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng ông sẽ có những nghiên cứu, chất vấn trước diễn đàn Quốc hội để làm rõ thêm những khúc mắc đã nêu.

Ông Trí nói rõ, những vấn đề đã nêu đều là những băn khoăn rất chính đáng.

"Tôi sẽ tranh luận cả ở hội trường và khi tham gia thảo luận tại tổ để yêu cầu Bộ GTVT làm rõ những băn khoăn trên", ông Trí nói.

Cao tốc Bắc-Nam: Nhiều 'điểm mù' khó hiểu

Có lợi ích nhóm định hướng đầu tư?

Đứng trên góc độ chuyên gia, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng cần phải đưa ra các luận chứng, luận điểm về kinh tế rất rõ ràng, cụ thể đối với dự án tuyến cao tốc đường bộ Bắc - Nam.

Theo ông Đoàn, dựa theo nguyên tắc phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường dài, thông thường đối với lĩnh vực đường thủy phải đặc biệt coi trọng hàng hải, đường bộ phải coi trọng đường sắt. Đường bộ chỉ mang tính phụ trợ để tạo ra các hoạt động năng động hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua Việt Nam lại quá trú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng đường bộ, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc.

Ông cảnh báo, thói quen xuê xoa trong công tác chuẩn bị, xây dựng dự án; các vấn đề đánh giá về hiệu quả kết nối giữa các loại hình vận tải với nhau còn chưa tốt, nhiều tuyến đường chưa phát huy được hiệu quả, năng lực khai thác hạn chế... gây lãng phí rất lớn.

Trở lại đề xuất làm tuyến cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT, trong đó, có đề xuất tách 8/11 dự án thành phần được thực hiện kêu gọi vốn theo hình thức BOT, vị PGS thẳng thắn:

"Bản chất BOT không xấu, nhưng khi thực hiện BOT tại Việt Nam lại có rất nhiều vấn đề tiêu cực, gây bức xúc chưa được giải quyết triệt để. Tôi không hiểu có vấn đề gì không mà Bộ GT-VT rất ham với các dự án đầu tư BOT? Có liên quan tới lợi ích nhóm ở đây không? Có chuyện chặt nhỏ dự án theo BOT để chia sẻ lợi ích cho nhiều người, nhiều người cùng được hưởng... như vậy, cũng sẽ có nhiều người ủng hộ và dự án dễ được thông qua hơn?

Cần phải lưu ý rằng, sự tồn tại của các mối quan hệ lợi ích trong các cơ quan quản lý là yếu tố dẫn dắt, định hướng lựa chọn loại hình đầu tư cho dự án. Trong đó, hình thức đầu tư theo BOT", ông Đoàn nói.

Một vấn đề nữa, cũng được ông Đoàn đề cập liên quan tới đề xuất mở rộng 8-10 làn xe. Vị chuyên gia lo ngại đối với một tuyến đường quá dài, chạy với tốc độ cao sẽ khó đảm bảo an toàn cho cả người và phương tiện tham gia. Trong khi đó, phương tiện vận tải bằng đường sắt sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ban-khoan-cao-toc-bac--nam-dbqh-se-chat-van-toi-cung-3346679/