Bản Khó, bản Nghèo vào Xuân

Nằm dưới chân dãy núi đá Pù Luông hàng nghìn năm tuổi, bản Khó, bản Nghèo bé nhỏ giữa thiên nhiên. Theo các cụ cao niên, hai bản Khó - Nghèo này có cách đây hơn 400 năm, thuộc Mường Ca Da cổ - là một Mường lớn của đồng bào Thái ở miền tây Thanh Hóa. Cái khó, cái nghèo như chính cái tên bản đã gắn liền với cuộc sống lam lũ của người dân nơi đây hàng trăm năm qua.

Bản Khó, bản Nghèo nép mình dưới chân núi Pù Luông

Nằm dưới chân dãy núi đá Pù Luông hàng nghìn năm tuổi, bản Khó, bản Nghèo bé nhỏ giữa thiên nhiên. Theo các cụ cao niên, hai bản Khó - Nghèo này có cách đây hơn 400 năm, thuộc Mường Ca Da cổ - là một Mường lớn của đồng bào Thái ở miền tây Thanh Hóa. Cái khó, cái nghèo như chính cái tên bản đã gắn liền với cuộc sống lam lũ của người dân nơi đây hàng trăm năm qua.

Nằm cách TP Thanh Hóa hơn 150 km, đi dọc lên phía Tây xứ Thanh. Ở xã Hồi Xuân, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa có hai bản người dân tộc Thái tên là bản Khó và bản Nghèo. Nằm dưới chân dãy núi đá Pù Luông hàng nghìn năm tuổi, bản Khó, bản Nghèo bé nhỏ giữa thiên nhiên. Đã từ rất lâu rồi, những người già trong bản qua bao đời vẫn thường kể lại với con cháu nơi này rằng, bản Khó, bản Nghèo đã có cách đây khoảng hơn 400 năm tuổi.

Toàn cảnh bản Khó, bản Nghèo

Toàn cảnh bản Khó, bản Nghèo

Nơi đây thuộc Mường Ca Da cổ - là một Mường lớn của đồng bào Thái ở miền tây Thanh Hóa. Cái khó, cái nghèo như chính cái tên bản đã gắn liền với cuộc sống lam lũ của người dân nơi đây hàng trăm năm qua. Bản Khó, có địa thế nằm dựa lưng vào dãy núi Pù Luông hùng vĩ, bên tả có thế núi long chầu hổ phục, phía trước bản có hai dòng suối giao nhau, cung cấp nguồn nước ngọt, mát lành cho đồng bào hàng trăm năm nay. Còn bản Nghèo lại được thiên nhiên ưu đãi cho hàng chục héc ta đất nông nghiệp gieo cấy được hai vụ lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang quanh bản. Dãy núi Pù Luông chạy dọc bản Khó, bản Nghèo, với thảm thực vật phong phú, tạo nên tính đa dạng sinh học…

Là nơi sơn, thủy hữu tình nhưng đời sống người dân bản Khó, bản Nghèo những thập niên trước đây vô cùng khó khăn, vất vả. Để đến được bản Khó, bản Nghèo, từ trung tâm thị trấn huyện Quan Hóa chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, ngoằn ngoèo len lỏi đi lại giữa các sườn núi dài nối tiếp nhau. Mặc dù chỉ cách trung tâm thị trấn huyện có chừng gần 10 Km, nhưng người dân trong bản muốn ra trung tâm thị trấn là cả một hành trình gian nan bởi đường đi vất vả, ngăn cách bởi sông sâu, núi cao.

Cuộc sống tự cung, tự cấp không giao thương buôn bán khiến cho bản Khó, bản Nghèo dường như cô lập với thế giới bên ngoài. Để về trung tâm xã đỡ vất vả và nguy hiểm, người dân bản Nghèo, bản Khó đã cùng nhau ngày đêm tự phá đá, cõng đất làm con đường từ bản ra trung tâm xã Hồi Xuân. Con đường này hàng năm vẫn được đồng bào nơi đây và các đoàn thể tình nguyện dưới xuôi lên giúp đỡ tôn tạo, tu bổ hàng năm. Cách đây 5 năm, con đường nhựa về bản đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, mở rộng. Nhờ vậy, con em hai bản đi học ở trung tâm xã cũng thuận lợi hơn, việc giao thương buôn bán của hai bản cũng bắt đầu phát triển, đời sống đồng bào cũng dần được cải thiện.

Phát triển về trí thức

Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy, nhưng cũng chính từ trong nghèo khó, người dân bản Khó, bản Nghèo đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu cho địa phương bằng con đường học tập. Tuy bản Khó, bản Nghèo còn khó khăn về kinh tế, nhưng ít ai biết rằng, người dân nơi đây lại vươn lên làm giàu bằng tri thức và đang nỗ lực cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Phong tục Khua Luống của người Thái nơi đây

Ông Cao Văn Tùng - Bí thư chi bộ bản Nghèo cho biết: "Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng việc học hành đã trở thành truyền thống của người dân nơi đây. Giờ đây nói về bản Nghèo hay bản Khó, người ta không còn nhắc nhiều đến chuyện khó khăn, gian khổ, cái đói nữa mà lại kể chuyện đỗ đạt, học hành. Nhiều người trong bản nhờ con đường tri thức đã đi ra và giữ những chức vụ quan trọng trong huyện, trong tỉnh…"

"Nói là có truyền thống bởi phong trào học tập đã được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy đến tận bây giờ. Con cháu trong bản qua các tầng lớp cứ thế phấn đấu học tập, người đi sau nhìn người đi trước để phấn đấu. Chúng tôi cũng luôn động viên các con chăm chỉ học tập. Ở đây mọi người rất ý thức đến việc chăm lo cho con cái học tập, vì chỉ học mới giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo bền vững" - ông Tùng nhấn mạnh.

Trong câu chuyện kể của mình, cụ cao niên Vi Văn Đợi ở bản Nghèo cho biết: "Người thành đạt đầu tiên của bản Nghèo là cụ Cao Ngọc Bích (SN 1926). Trước năm 1954, nhờ đi theo kháng chiến mà cụ Cao Ngọc Bích là người đầu tiên của bản biết chữ quốc ngữ. Sau năm 1954, cụ Bích được học hết lớp 7, rồi tham gia cách mạng, làm cán bộ, thầy giáo dạy các lớp "bình dân học vụ" tại địa bàn các xã của huyện Quan Hóa. Cụ Bích nghỉ hưu khi là Trưởng phòng văn hóa. Cụ là người đầu tiên của bản Nghèo thành đạt, làm cán bộ. Đến nay cả bản có tới gần 70 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN…nhiều người đang giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong huyện".

Tác giả cùng với cụ cao niên Vi Văn Đợi ở bản Nghèo

Còn ông Lương Văn Tuấn - Bí thư chi bộ bản Khó cho biết: "Cả bản Khó hiện có gần 20 người nhờ học hành đỗ đạt, đã, đang làm cán bộ các cấp trong huyện. Ngoài ra, còn nhiều người quê bản Khó, hiện đang làm tại các cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trong huyện, tỉnh". Theo thống kê, toàn huyện Quan Hóa có hơn 120 bản, làng, nhưng điều đặc biệt là bản Nghèo là địa phương có nhiều người đỗ đạt và làm cán bộ nhất trong huyện Quan Hóa. Phong trào học tập của người dân hai bản Khó, Nghèo giờ đây đã trở thành điểm sáng của huyện Quan Hóa.

Xây dựng bản nông thôn mới

Không chỉ nỗ lực vượt khó vươn lên bằng con đường tri thức, người dân bản Khó, bản Nghèo còn nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhân dịp năm mới Xuân Tân Sửu 2021, nói trong niềm vui phấn khởi ông Cao Văn Tùng - Bí thư chi bộ bản Nghèo vui mừng chia sẻ: "Những năm gần đây nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, lại được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm mà đời sống của bà con dân bản không ngừng tăng lên. Cả bản Nghèo có 114 hộ, 523 nhân khẩu nhưng chỉ có 6,8 % là hộ nghèo.

Ruộng bậc thang nằm giữa 2 bản Khó, Nghèo

"Ngoài số người học hành đỗ đạt làm việc trong các cơ quan, ban ngành, bản Nghèo còn có trên 60 lao động địa phương đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp cho thu nhập thường xuyên. Hơn 15 ha ruộng lúa nước trong bản cấy cả được hai vụ đã giúp bà con chủ động được nguồn lương thực, không còn lo cái đói bủa vây ngày giáp hạt. Trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi cũng được đầu tư đẩy mạnh. Bình quân thu nhập người dân trong bản đạt 31,2 triệu/người/năm…" - ông Tùng cho biết thêm.

"Đến nay sau hơn 5 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, người dân bản Nghèo đã hoàn thành xây dựng NTM và đang đợi ngày tốt để công bố. Năm nay, với người dân bản Nghèo, Tết Nguyên đán Tân Sửu chắc chắn sẽ vui hơn. Niềm vui đón NTM sẽ hòa chung cùng niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc. Hiện tại, bà con trong bản cũng đang tích cực chuẩn bị đất cho mùa vụ tới, lại tranh thủ tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao để đón nhận NTM và đón Tết cổ truyền…" - Bí thư Chi bộ bản nghèo nói.

Một góc của bản Nghèo

Còn tại bản Khó, Bí thư Chi bộ Lương Văn Tuấn cũng rất vui mừng khi chia sẻ với chúng tôi: "Bản Khó hiện có 117 hộ, 455 nhân khẩu, trong bản vẫn còn 15 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo. Bình quân thu nhập đạt 23 triệu/người/năm. Người dân trong bản vẫn đang nỗ lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để cùng nhau xây dựng NTM. Hiện tại đã hoàn thành 12 chỉ tiêu về NTM, người dân trong bản đang cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu về giảm hộ nghèo, xây dựng đường bê tông hóa thôn bản, đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư".

Bí thư huyện Quan Hóa Hà Thị Hương cho biết: "Chừng ấy năm xây dựng NTM cũng là khoảng thời gian người dân bản Nghèo, bản Khó thực sự thay đổi cách nghĩ, cách nhìn và cùng bắt tay vào hành động. Các cấp chính quyền hỗ trợ, các hộ dân lấy đó làm động lực phấn đấu. Bản Nghèo, bản Khó không chỉ thay đổi rõ rệt mà các bản trong xã lấy đó làm gương để phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng NTM, động viên con cháu tích cực học tập… Hai bản này tuy còn gia đình nghèo về kinh tế, nhưng lại rất "giàu" trí thức, nhiều người đỗ đạt".

"Huyện Quan Hóa hiện nay có 123 bản làng, nhưng điều đặc biệt là chỉ bản Khó là địa phương có nhiều trí thức, cán bộ nhất. Bản Khó hiện có 115 hộ với hơn 400 nhân khẩu, nhưng có tới hơn 40 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Những người xuất thân từ bản Khó học hành đỗ đạt, đã và đang làm cán bộ, lãnh đạo ở huyện. Còn ở bản Nghèo có gồm 111 hộ, đã có 20 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nhờ chịu khó học hành, cái đói cái nghèo ở hai bản Khó, Nghèo đã được đẩy lùi, 95% số hộ gia đình ở hai bản đã có xe máy. Một cuộc sống no đủ, hạnh phúc đang dần hiện hữu trên hai bản Khó - Nghèo. Tháng 12/2020, hai bản Khó, bản Nghèo đã sáp nhập vào với Thị trấn Quan Hóa và được đổi tên là khu Khó, khu Nghèo" - bà Hương nhấn mạnh.

"Được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho 2 bản, bản Khó có địa thế nằm dựa lưng vào dãy núi Pù Luông hùng vĩ, bên tả có thế núi long chầu hổ phục, phía trước bản có hai dòng suối giao nhau, cung cấp nguồn nước ngọt, mát lành cho đồng bào hàng trăm năm nay. Còn bản Nghèo lại được thiên nhiên ưu đãi cho hàng chục héc ta đất nông nghiệp gieo cấy được hai vụ lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang quanh bản. Dãy núi Pù Luông chạy dọc bản Khó, bản Nghèo, với thảm thực vật phong phú, tạo nên tính đa dạng sinh học… Hiện nay, huyện đang khuyến khích bà con trong bản học tập nâng cao trình độ và sự hiểu biết để phát triển du lịch cộng đồng, phát triển dịch vụ thương mại, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về với Quan Hóa, về với bản Khó, bản Nghèo" - Bí thư Hà Thị Hương cho biết thêm.

Trong tương lai không xa, với những gì sẵn có được thiên nhiên ban tặng, với những ruộng bậc thang đẹp hút mắt du khách, với những phong tục tập quán được lưu giữ qua các đời con cháu, với những câu chuyện về Mường cổ của người Thái, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, một bên núi, một bên suối, ngôi làng nằm lọt giữa những dãy núi đá Pù Luông hàng nghìn năm tuổi càng thu hút sự tò mò của các du khách trong và ngoài nước muốn một lần được đặt chân đến vùng đất này. Chia tay bản Khó, bản Nghèo, trong mỗi chúng tôi vẫn còn một sự lưu luyến với phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, những ruộng bậc thang với sắc màu vàng ươm của lúa lọt giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng và những con người mến khách nơi đây. Mùa xuân đã về trên bản Khó, bản Nghèo.

THU HƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ban-kho-ban-ngheo-vao-xuan-20210213150528046.htm