Bạn khao khát thành công, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ

Tôi là Nam Giang, năm nay 21 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió, dù quê hương còn nhiều vất vả khó khăn nhưng đó là nơi sinh ra tôi, nơi có gia đình, có tuổi thơ, có những làn điệu dân ca Ví Dặm và là nơi truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi trên con đường chạm tới ước mơ.

Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc, cả nhà đều làm nông nghiệp. Tuổi thơ của tôi gắn liền với đồng ruộng nhưng chưa bao giờ thiếu những câu hát dân ca của bà, của mẹ. Âm nhạc dân gian đã ngấm vào máu của tôi từ lúc nào không hay. Lên 5 tuổi, gia đình cho tôi đi học ở Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức. Hồi đó chưa biết chữ nên bố phải đứng ngoài cửa sổ để chép bài hát và về dạy lại cho tôi. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã nuôi khát khao được trở thành một ca sỹ được đứng trên sân khấu lớn và hát cho hàng nghìn khán giả nghe. Lên cấp 2 tôi bắt đầu xin đi hát những đám cưới nhỏ trong làng, đám thì có vài chục nghìn đồng thù lao, đám thì hát không công. Nhưng rất vui và hạnh phúc vì được hát và hát một cách say mê.

Nam Giang - Sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC

Nam Giang - Sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC

Nhưng khi bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì mọi thứ không dễ dàng như những suy nghĩ lúc còn nhỏ.

16 tuổi, tôi đặt chân đến Hà Nội - miền đất hứa của rất nhiều người xa quê. Không người thân, không anh em bạn bè, tôi còn nhớ ngày đầu ra mua hồ sơ đăng ký dự thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, bố đưa tôi đi. Hai bố con đến trễ và phải ngồi đợi ở gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, qua giờ trưa để chiều vào trường mới mua được hồ sơ. Hồi đó, mẹ và anh trai đều đi xuất khẩu lao động nên nhà chỉ có hai bố con. Tuy hoàn cảnh lúc đó còn khó khăn, nhưng gia đình vẫn tạo điều kiện hết sức để tôi có thể thỏa nỗi đam mê của mình. Xin thầy cô đi học ôn ở thành phố Vinh, các thầy cô thấy thương cũng không lấy tiền học phí. Một mình đạp xe xuống Vinh để học ôn giữa trời nắng chang chang, có những buổi học về cổ họng đau rát, nhiều khi bố mẹ cũng băn khoăn về lựa chọn này. Nhưng nhìn thấy tôi say mê, bố mẹ đều không nỡ từ bỏ, phải đồng hành cùng con thôi.

Vẻ ngoài điển trai của chàng sinh viên 21 tuổi. Ảnh: NVCC

Và mọi cố gắng bước đầu được đền đáp bằng tin vui từ trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Tôi đỗ vào trường hệ trung cấp 4 năm chuyên ngành Thanh nhạc. Bên cạnh niềm vui là nỗi lo hằn lên mắt cha mắt mẹ về con đường tôi đi phía trước. Về chi phí học hành, ăn ở, đi lại... Tôi bắt đầu cuộc sống tự lập, xa quê, xa gia đình.

Vừa học văn hóa cấp 3 vừa học chuyên ngành quả thực thời gian đầu tôi bị choáng ngợp với môi trường mới. Học trong quân đội, tôi được rèn luyện "Kỷ luật thép", những buổi học chuyên ngành có thể kéo dài xuyên trưa. Những buổi tập chương trình giữa trưa hè nóng gần 40 độ, rồi những đợt đau họng kéo dài gần tháng trời. Sau này tôi ý thức được rằng phải giữ gìn cổ họng vì nó là thứ quý giá mà trời phú cho tôi. Mọi thứ dần đi vào quỹ đạo và quen với môi trường mới. Tôi bắt đầu có những show diễn sân khấu và có ít tiền để tiêu vặt.

Nhạc dân tộc đã là phần của trái tim tôi, đó là tâm hồn, là nhiệt huyết tuổi trẻ của Nam Giang. Ảnh: NVCC

Đến năm 3-4 thì bố mẹ không phải chu cấp tiền cho tôi nữa. Tôi bắt đầu các mối quan hệ ngoài xã hội để học hỏi kinh nghiệm, để trải nghiệm những bài học quý giá trong nghề và bắt đầu phát huy sở trường nhạc dân gian của mình.

Nhiều anh chị nói với tôi: "Em có ngoại hình, có giọng hát sao không theo dòng nhạc nhẹ, dễ phát triển hơn". Tôi cũng xem đó là một gợi ý thú vị, nhưng âm nhạc dân tộc đã là phần của trái tim tôi, đó là tâm hồn, là nhiệt huyết tuổi trẻ tôi dành cho nó.

Không phải riêng tôi, mà những người theo nghệ thuật đều phải hi sinh một phần thanh xuân của mình. Như tôi, vào môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm lớp 11, tôi không có được những quãng thời gian vui chơi với bạn bè cùng trang lứa, tôi phải lo lắng về mọi thứ trước các bạn, rồi phải tránh được những cám dỗ bên ngoài xã hội. Nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ ước mơ.

Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê, nhớ lũ bạn ở nhà đang vui chơi. Nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ dở ước mơ của mình. Tủi thân rồi cũng gạt nước mắt và đứng dậy.

"Những người theo nghệ thuật đều phải hi sinh một phần thanh xuân, nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ ước mơ". Ảnh: NVCC

Tôi bắt đầu theo chân các anh chị đi những chuyến thiện nguyện, hát từ thiện ở các bệnh viện, các xã, huyện nghèo. Gặp những hoàn cảnh khó khăn tôi càng thêm yêu cuộc sống vì mình còn có ước mơ để theo đuổi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được hát cho mọi người nghe, có những vùng quê nghèo người ta ít được đi xem biểu diễn. Thấy mình về biểu diễn họ mừng lắm, tay bắt mặt mừng và trân quý những người nghệ sỹ trẻ như chúng tôi.

Tôi còn nhớ một lần về mảnh đất nghèo Thanh Chương, Nghệ An để hát thiện nguyện. Sân vận động của huyện đêm đó chận kín người. Sau khi tôi hát xong có một em bé chạy vào cánh gà nắm tay tôi và nói: "Chú ơi chú hát hay quá chú dạy cháu hát sau ni (này) cháu cũng muốn thành ca sỹ". Tôi rưng rưng và chỉ biết nằm chặt tay em bé. Trong đầu tôi lóe lên một mong ước, sau này sẽ làm giảng viên thanh nhạc để dạy cho những đứa trẻ nghèo có đam mê nghệ thuật. Sau mỗi chuyến đi thiện nguyện ý nghĩa như vậy, tôi lại có cho mình những trải nghiệm, những hành trang, những cảm xúc sâu sắc để trau dồi cho tâm hồn, giọng hát sẽ có hồn hơn.

"Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được hát cho mọi người nghe, có những vùng quê nghèo người ta ít được đi xem biểu diễn". Ảnh: NVCC

Trong thời gian học tập, tôi có tham gia một vài cuộc thi của thành phố Hà Nội nhưng không được vào sâu. Đến năm cuối, tôi mạnh dạn tham gia Sao Mai 2019 và đạt giải nhất dòng dân gian tại Nghệ An và đi đến chung kết Miền Trung - Tây Nguyên. Tuy đó chỉ là những thành tích khiêm tốn bước đầu nhưng cũng là động lực để tôi phấn đấu chinh phục dòng nhạc dân gian nhiều gian khó, trở ngại. Tôi là học viên nam duy nhất đạt bằng giỏi khi tốt nghiệp ra trường.

Được sự động viên của thầy cô và các anh chị đồng nghiệp, tôi thi và đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và tiếp tục con đường âm nhạc của mình. Tuy chọn con đường nhiều thử thách nhưng đó là động lực để mình vượt qua, giúp mình thêm cứng cỏi, vững vàng.

Trong giới nghệ thuật có rất nhiều vấn đề phức tạp, nhiều thị phi... Thật khó để nói trước điều gì, nhưng bản thân tôi chỉ biết phải thật cố gắng để làm được điều mình hướng tới trong tương lai và hãy luôn giữ cho mình một tâm hồn đẹp.

Dòng nhạc tôi đang theo đuổi kén người nghe và chủ yếu là phục vụ khán giả lớn tuổi, nhưng tôi vẫn đang cố gắng để âm nhạc dân tộc có thể đến gần hơn với khán giả trẻ. Ai cũng có quê hương, ai cũng yêu nó như yêu bản thân mình. Âm nhạc dân gian chính là quê hương đó, vậy thì lý do gì bạn không yêu không quý.

Nam Giang đang cố gắng để âm nhạc dân tộc có thể đến gần hơn với khán giả trẻ. Ảnh: NVCC

Với tôi, còn sức trẻ, còn thanh xuân, thời gian, nhiệt huyết thì còn đi, còn bước. Hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời và mang niềm hạnh phúc tới cho những người xung quanh. Chặng đường đến ước mơ dẫu còn dài, nhiều gian nan thử thách, còn vô vàn thị phi, đố kỵ ghen ghét nhưng hãy gạt qua tất cả và bước tới. Nhất định không được từ bỏ ước mơ của mình, hãy luôn luôn khao khát thành công bạn sẽ có động lực bước tới.

Nam Giang (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-guong-mat-sinh-vien/ban-khao-khat-thanh-cong-ban-se-khong-bao-gio-tu-bo-1655092.tpo