Bán khăn không có thành phần lụa, Khaisilk sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng để có thể xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả của Công ty Khải Đức, cơ quan cảnh sát điều tra cần phải xác minh làm rõ hành vi của từng cá nhân.

Sau bài viết Khăn Khaisilk không có thành phần lụa, chuyển hồ sơ sang công an đăng trên Zing.vn hôm 12/12 có đề cập đến việc Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) đã có bài phân tích về vụ việc dưới góc độ pháp lý gửi tới báo.

Theo như các thông tin trên báo chí, tôi được biết là Bộ Công Thương đã phát đi thông báo kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (Công ty Khải Đức, thường được biết đến với tên gọi Tập đoàn Khaisilk), phát hiện có 5 dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận đúng về vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức thì công ty này sẽ phải chịu các chế tài theo quy định của pháp luật.

Cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai sau khi bị khách tố bán hàng Made in China. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thứ nhất, về kết luận Công ty Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự với tội buôn bán hàng giả về chất lượng của Bộ Công Thương. Nếu trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định đúng vi phạm thì công ty này có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty Khải Đức còn có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 tháng đến 3 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm… Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội hình sự thì Công ty Khải Đức có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung 2009 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Tội danh này, mức án thấp nhất là 6 tháng, cao nhất 15 năm tù.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 vẫn chưa có chế tài xử lý đối với pháp nhân, mà vụ việc xảy ra khi Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa có hiệu lực. Chính vì vậy để xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả của Công ty Khải Đức thì cơ quan cảnh sát điều tra cần phải xác minh làm rõ hành vi vi phạm của từng cá nhân để có thể xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ, hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý, một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa. Nếu trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì công ty này có thể bị xử lý theo một trong hai hành vi.

Một là vi phạm mà dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế, thì chỉ bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC về Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trường hợp Công ty Khải Đức sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn mà không dẫn đến hành vi trốn thuế, gian luận thuế thì chỉ bị xử lý về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50 triệu đồng theo khoản 5 điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014.

Thứ ba, Bộ Công Thương cho rằng Công ty Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định. Ngoài ra một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định về nhãn hàng hóa.

Doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của thương hiệu Khaisilk.

Đối chiếu theo quy định tại nghị định 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quy định tại Điều 25 vi phạm về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thì có thể phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5 triệu đồng đến hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng.

Với hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, Công ty Khải Đức có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 15 triệu đồng trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5 triệu đồng đến có giá trị trên 100 triệu đồng…

Thứ tư, về dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, Công ty Khải Đức có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 66 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với thương nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định.

Ngoài ra, về hành vi cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác thì tại điểm a khoản 2 Điều 82 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử Công ty Khải Đức có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai lệch về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng và điều kiện giao dịch chung trên website thương mại điện tử.

Thứ năm, Bộ Công Thương đưa ra về hành vi bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này. Trong trường hợp này, Công ty Khải Đức sẽ bị xử phạt theo Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thấp nhất từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng và phải chịu hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, những thông tin trên chưa có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, nên các cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ vụ việc để có thể xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra tại Công ty TNHH Khải Đức do doanh nhân Hoàng Khải sở hữu. Kết luận chỉ ra 5 sai phạm liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất/nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang.

Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ cũng chỉ đạo đôn đốc, theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của Khải Đức theo thẩm quyền.

Điều cần chú ý trong kết luận thanh tra của Bộ Công Thương là Công ty Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) thì chủ thể của tội phạm chỉ là cá nhân. Do vậy, Công ty TNHH Khải Đức không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ có thể cá biệt hóa trách nhiệm cho cá nhân thì mới có thể xử lý được.

Cũng theo Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) hiện hành, tội lừa dối khách hàng cũng chưa được quy định. Điều này mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) và chỉ áp dụng cho các hành vi lừa dối khách hàng xảy ra từ ngày 1/12018 tới đây khi Bộ luật hình sự này có hiệu lực.

TS Bùi Xuân Phái - Giảng viên môn Lý luận chung Nhà nước và pháp luật, Đại học Luật Hà Nội.

Luật sư Trương Quốc Hòe

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ban-khan-khong-co-thanh-phan-lua-khai-duc-phai-doi-dien-che-tai-gi-post803815.html