Bán kết Tây Đức – Pháp (Espana 1982): Trận đại chiến không dành cho kẻ yếu tim

Vì sao bóng đá lại có một sức hấp dẫn lớn đến vậy? Có lẽ bóng đá mang vẻ đẹp của một môn nghệ thuật, lại có tính chất khốc liệt của một chiến trường. Nó đem lại cho người xem những khoảnh khắc thăng hoa, những phút giây kịch tính, ranh giới mong manh giữa thắng bại, vui buồn. Một trong những trận đấu hội tụ đầy đủ tất cả những cảm xúc đó chính là trận bán kết Espana 1982 giữa Tây Đức và Pháp.

Hai trường phái “nước” và “lửa”

Người Đức bước vào cuộc chinh phục cúp vàng lần thứ ba tại Tây Ban Nha với tư cách nhà ĐKVĐ châu Âu. Thời bấy giờ, Tây Đức là một trường phái riêng, một cá tính riêng. Hiệu quả, hiệu quả và hiệu quả, đó là những chữ in sâu trong đầu mỗi cầu thủ đội bóng. Họ không tấn công xuất sắc mặc dù có những quái kiệt như Karl-Heinz Rummenigge, Klaus Fischer,… Sức mạnh của người Đức nằm ở tinh thần tập thể cao, ý chí thép. Họ là một đội bóng được tổ chức chặt chẽ, phòng ngự kiên cố và phản công hiệu quả.

Trái lại, người Pháp là đại diện cho trường phái bóng đá “nghệ sĩ”. Tính chất đẹp mắt, phóng khoáng là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Chính điều này là nguyên nhân khiến Pháp, quốc gia sáng lập World Cup, chưa từng một lần nâng cao cúp vàng. Xem Les Bleus thi đấu, người ta có cảm giác họ chơi giống như những chàng công tử bột, đầy lãng mạn và không cần biết đến thực tế. Tuy vậy, các cổ động viên Pháp vẫn háo hức chờ đợi một cú “vượt vũ môn” khi mà trong tay họ đang có những hảo thủ như Michel Platini, Jean Tigana, Dominique Rocheteau, Alain Giresse,…

90 phút nghẹt thở

Ngày 8/7/1982, 70.000 khán giả đã đến chật kín sân Sanchez Pizjuan ở Sevilla để chứng kiến cuộc thư hùng giữa “nước” và “lửa” trong trận bán kết Espana 1982. Ngay khi trọng tài nổi hồi còi khai cuộc, “Hoàng tử” Platini và các đồng đội nhanh chóng dồn lên phần sân đối phương với những pha trình diễn kĩ thuật tinh xảo. Người Đức, như thường lệ, chấp nhận “ẩn mình” chờ cơ hội. Đội trưởng “thép” Manfred Kaltz bình tĩnh chỉ huy hàng phòng thủ “bắt bài” những anh chàng “gà trống choai”.

Sự bình tĩnh và chắc chắn của Tây Đức lập tức đem lại hiệu quả. Những chú gà trống Gaulois bắt đầu “mắc tóc”, không tài nào bén mảng được đến khung thành của Schumacher. Ngược lại, những cơ hội thành bàn rõ nét nhất lại thuộc về Tây Đức, mà lại đến từ đôi chân của cầu thủ có lối chơi kĩ thuật duy nhất Pierre Littbarski. Sau một vài cú sút trượt, phút 17, chàng trai nhỏ con 22 tuổi này đã làm rung lưới của thủ môn Ettori. 1-0, Tây Đức dẫn trước.

Đội trưởng tuyển Pháp, Platini (áo xanh).

Thế nhưng, người Pháp cho thấy ngay họ không phải là những chàng khờ dễ bị bắt nạt. Đường đến cầu môn Tây Đức quả là khó nhưng chưa hẳn đã hết cửa. Toàn bộ đội quân Áo Lam dồn lên, vây kín khung thành Tây Đức. Pha phối hợp biến ảo của bộ ba Michel Platini, Dominique Rocheteau và Alain Giresse đã đem lại quả phạt đền cho Pháp. Platini bình tình thực hiện thành công san bằng tỉ số 1-1.

Những phút tiếp theo, kịch bản này vẫn tiếp diễn: Pháp miệt mài tấn công bằng lối chơi hoa mĩ, Tây Đức co về phòng thủ, rình tập đối phương sơ hở. Chính họ đã suýt cho Pháp dính đòn “hồi mã thương” sau hai lần đối mặt thủ môn của Breitner và Forster. Nhưng Pháp cũng chẳng phải tay vừa: phút 83, Amoros sút bóng dội xà ngang đội Tây Đức.

Nhưng tất cả những phút đứng tim đó rồi cũng trôi qua và đọng lại với giới mộ điệu lại chính là pha vào bóng “khủng bố” của Schumacher với Battiston. Một quả chọc khe thông minh của nhạc trưởng Platini đặt Battiston vào thế đối mặt với Schumacher. Khi cả hàng phòng ngự thép đã bị bẻ cong, Schumacher lập tức xộc thẳng ra ngoài khu cấm địa, tông cả cơ thể hộ pháp của mình lên anh chàng tội nghiệp Battiston. Bị dính một cú trời giáng, Battiston lăn ra bất tỉnh, và lập tức phải vào thẳng bệnh viện để lại 3 chiếc răng rụng mà giờ đây đang được lưu giữ trong… bảo tàng Berlin. Schumacher và trọng tài “ngó lơ” trước sự la ó của cổ động viên khắp sân.

Battiston đã "suýt chết" sau pha vào bóng của thủ thành Schumacher.

Platini đang kiểm tra người đồng đội bất tỉnh Patrick Battiston trên cáng.

Sau này, Platini kể lại ông tưởng Battiston đã “ra đi”, vì “cậu ấy không còn thở và trông xám ngoét”. Đây là một minh chứng hùng hồn của thứ bóng đá “chém đinh chặt sắt” chống lại bóng đá hào hoa, và có vẻ như bóng đá bạo lực lại có ưu thế hơn.

Những phút giây thăng hoa và trầm mặc

Hết 90 phút chính thức, tỉ số là 1-1. Người Pháp bị quần tơi tả, vừa thiệt người lại hao sức. Trong cuộc đấu thể lực, Pháp yếu thế hơn nhưng chính trong lúc khó khăn này, các chàng trai xứ sở hình lục lăng lại tạo nên kì tích. Trong vòng 6 phút từ phút 92 đến 98, Tresor và Giresse ghi liền hai bàn đưa Pháp dẫn trước 3-1. Trận chung kết chỉ còn cách người Pháp 22 phút.

Nhưng rủi cho Pháp, đối thủ của họ đâu phải là một tay mơ. Người Đức là một chuyên gia lội ngược dòng phút chót. Tinh thần thép của Đức được phát huy cao độ vào đúng phút khó khăn này. Khi mà Giresse chạy vòng quanh sân hò hét như thể Pháp đã vào chung kết rồi thì Tây Đức vẫn lặng lẽ và bền bỉ chiến đấu. 4 phút sau, Rummenigge rút ngắn khoảng cách còn một bàn, và 6 phút nữa, Fischer như từ trên trời rơi xuống… vòng cấm địa của Pháp, thực hiện một cú “ngả bàn đèn”. Tỉ số được san hòa 3-3.

Bàn thắng quân bình tỷ số 3-3 của Fischer vào lưới tuyển Pháp ở Espana 1982.

6 phút thăng hoa của người Pháp, người Đức trầm mặc, rồi đến 6 phút thăng hoa của người Đức, kẻ bị kéo từ trên mây xuống chính là Pháp. Không giải quyết được trận đấu trong 120 phút đầy cảm xúc, hai đội phải “thanh toán ân oán” trên loạt penalty định mệnh.

Đoạn kết buồn cho của một vở bi kịch

Trong màn “đấu súng” cân não, người Pháp sút trước. Giresse, Amoros, Rocheteau không mấy khó khăn để chiến thắng Schumacher. Bên phía Tây Đức, Kaltz, Breitner cũng dễ dàng đánh lừa Ettori. Nhưng đến Stielike thì Ettori không bị đánh lừa nữa. Stielike đổ gục sau cú đá hỏng ăn và tấm tức khóc trong sự an ủi của các đồng đội.

Nhưng người Pháp lại không biết tận dụng cơ hội. Six do quá căng thẳng đã bị Schumacher bắt bài. Tiếp đến, Littbarski, Platini và Rummenigge đều thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

Trong loạt đấu súng cân não, phần thắng đã thuộc về người Đức.

5 loạt sút đầu tiên, mỗi đội sút hỏng một quả và buộc phải đi đến loạt luân lưu knock-out trực tiếp. Hậu vệ Bossis của Pháp sút một cú vừa nhẹ vừa hiền và “cáo già” Schumacher đã đẩy được ra. Hrubesch được giao đá quả quyết định và sau cú sút lạnh lùng đã đánh lừa được Ettori. Cả đội Đức đã ùa cả đến anh. 5-4, Tây Đức vào chung kết. Vở kịch nghẹt thở cuối cùng đã hạ màn.

Trên sân, Platini bật khóc. Người đội trưởng hào hoa và các đồng đội đã không thể biến giấc mơ đoạt cúp của quê hương mình thành hiện thực. Một đoạn kết buồn cho một thứ bóng đá đẹp, nhưng người hâm mộ vẫn dành những tình cảm thương mến nhất cho những nghệ sĩ sân cỏ Pháp năm 1982. Lãng mạn phải đi liền với sự dang dở giống như kết cục thường thấy của những câu chuyện tình trong các tiểu thuyết và áng thơ của Hugo, Baudelais,…

(Bạn đọc: Nguyễn Thế Dương)

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/ban-ket-tay-duc-phap-espana-1982-tran-dai-chien-khong-danh-cho-ke-yeu-tim-d448274.html