Bản 'hợp đồng hôn nhân' Trung - Nhật

Hơn ai hết, cả Tokyo và Bắc Kinh đều cảm thấy hài lòng vì những toan tính riêng được giấu một cách tinh tế dưới những cái bắt tay thân thiết và những thỏa thuận kinh tế thiết thực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có được chuyến thăm Trung Quốc rất thành công, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Bước ngoặt lịch sử

Mặc dù chuyến thăm chỉ kéo dài 3 ngày (từ 25-27/10), nhưng giới quan sát cho rằng, đây là một bước đi quan trọng trong quá trình hòa giải giữa hai nước và một phần là hệ quả từ những bất ổn xung quanh chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tại châu Á. Không ít người cũng cho rằng, quan hệ đang “căng như dây đàn” giữa Mỹ và Trung Quốc là lý do cho việc Bắc Kinh trở nên thân thiết hơn với Tokyo.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2018. (Nguồn: Jiji/Bloomberg)

Đây là chuyến thăm Bắc Kinh chính thức đầu tiên của Thủ tướng Nhật kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc. Gần đây, các cuộc gặp gỡ cấp cao Trung – Nhật cả trực tiếp và qua điện đàm cũng diễn ra thường xuyên hơn. Điều đó chứng tỏ, mối quan hệ chính trị song phương đã đạt đến một độ chín nhất định.

Tờ Reuters đã dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản phát biểu trong chuyến thăm rằng, từ cạnh tranh đến cùng tồn tại, quan hệ song phương Nhật - Trung đã bước vào giai đoạn mới. Và ông mong muốn thúc đẩy mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc tiến về phía trước, vẽ nên kỷ nguyên mới cho quan hệ hai nước. Thủ tướng Abe cũng nói rằng, Nhật Bản và Trung Quốc là láng giềng, đối tác và sẽ không trở thành mối đe dọa của nhau.

Và trên thực tế, không chỉ các cuộc tiếp xúc cấp cao, các dấu hiệu hợp tác kinh tế tích cực cũng đã xuất hiện. Theo thống kê của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 329,3 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2016. Còn Thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho thấy, kim ngạch đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 2017 đạt 3,27 tỉ USD, tăng 5,1%.

Gặp nhau vì những toan tính riêng

Nhìn thẳng vào bản chất bản hợp đồng hôn nhân này, có thể nói cả hai nền kinh tế hàng đầu châu Á đều đã nhìn thấy ở nhau những phần mà bản thân còn thiếu. Lực hấp dẫn đã lớn tới mức mà cả hai đều sẵn sàng bỏ lại phía sau các mâu thuẫn chính trị cố hữu và vô cùng nhạy cảm, để xích lại gần nhau hơn. Và thời điểm “kết hôn” không thể tốt hơn đó là giữa tâm điểm leo thang căng thẳng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Đó là cái cớ để cả Bắc Kinh và Tokyo đều có thể khéo léo cài vào những chính sách riêng để duy trì lợi ích.

Một mặt, Tokyo giữ quan hệ đồng minh với Mỹ thông qua việc thúc đẩy mạng lưới các quốc gia đồng minh và thân thiện để kiềm chế Trung Quốc. Mặt khác, Tokyo lại nỗ lực hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế và giảm nghi kỵ, nhằm tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc rộng lớn và các khoản vay có “giá hời”. Tất nhiên, những bộ óc ở Bắc Kinh đủ lớn để biết điều đó, nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc có một số lý do để cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Thứ nhất là yếu tố Mỹ và quan hệ thương mại đang xuống dốc, khiến Bắc Kinh cho rằng cần có một mối quan hệ tốt hơn với Nhật Bản – nước đang có những bất mãn tương tự đối với chính sách thương mại của Mỹ và hơn nữa còn có thể ly gián quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật; Thứ hai, Bắc Kinh cố gắng lợi dụng thái độ tiêu cực của Chính phủ Mỹ đối với tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương… để đề cao trách nhiệm của mình với quốc tế.

Lý do tiếp theo, rã băng quan hệ chính trị và hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản từ thương mại, đầu tư, tài chính… đến công nghệ cao, là bước đi rất quan trọng để Trung Quốc “hồi sức” nền kinh tế, sau những cú đòn thương mại từ Mỹ. Xét từ quan điểm cải cách mở cửa sâu rộng, phát triển công nghệ và hiện đại hóa, thì Trung Quốc vẫn cần học hỏi nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ Nhật Bản.

Một lý do nữa, Nhật Bản vốn không tham gia vào dự án Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập, nhưng nếu đưa được Tokyo vào sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) thì đây sẽ là thành công mang tính biểu tượng của Bắc Kinh. Và trên thực tế, dù chắc chắn không là một phần của BRI, nhưng Tokyo đã đi đến thảo luận với Bắc Kinh về khả năng hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước thứ ba, mà thực chất là các nước thuộc BRI.

Cuối cùng, theo giới quan sát, có thể Trung Quốc tin rằng, bằng cách cải thiện quan hệ với Tokyo, họ sẽ khiến quan hệ Mỹ - Nhật bước vào một giai đoạn gập ghềnh. Như vậy, nếu không nắm ngay cơ hội cải thiện quan hệ này, Bắc Kinh có thể sẽ khó tìm được một thời điểm nào tốt hơn trong tương lai.

- 500 thỏa thuận trị giá 18 tỉ USD đã được ký giữa các công ty hai nước trong thời gian diễn ra chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

- Đáng chú ý nhất là hiệp định hoán đổi tiền tệ trị giá 30 tỉ USD giữa Nhật Bản và Trung Quốc có hiệu lực tới năm 2021. Hiệp định này lần đầu được ký vào năm 2002, nhưng chấm dứt vào năm 2013 khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

- Thỏa thuận sẽ cho phép Ngân hàng Trung ương 2 nước hoán đổi tiền tệ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các thỏa thuận thương mại song phương và hỗ trợ thanh khoản cho các thị trường tài chính. Trong trường hợp khủng hoảng tài chính, hoán đổi có thể hoạt động như một mạng lưới an toàn bằng cách cung cấp NDT cho các ngân hàng Nhật Bản hoạt động ở Trung Quốc và đồng Yên cho các ngân hàng Trung Quốc tại Nhật Bản, nhằm tăng cường ổn định tài chính và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại cả hai nền kinh tế.

- Hiệp định mới cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận thị trường Trung Quốc và nhận được các khoản vay với lãi suất ưu đãi thấp. Trong khi đó, Trung Quốc dự định sử dụng hoán đổi tiền tệ như một công cụ quan trọng để quốc tế hóa NDT.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ban-hop-dong-hon-nhan-trung-nhat-80705.html