Bản hòa điệu tiếng lòng

'Gửi đây chút duyên tình đọc' - chân dung văn học của Nguyễn Thị Thanh Xuân (NXB Đà Nẵng, 2019) phác họa 18 khuôn mặt văn chương lưu dấu son trên dòng thời gian.

Mở đầu là Phan Khôi, “một nhà văn viết báo” và khép lại là Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn thời danh. Các bài dài ngắn không đều, lối viết cũng không thuần nhất. Giữa một ít bài đượm không khí giao hòa và tương cảm như bút ký văn học “cách viết hoàn toàn thoải mái, tràn đầy cảm xúc”, còn lại là các tiểu luận - phê bình đậm đà tính học thuật.

Người đọc gặp lại những tác giả, những tác phẩm mà qua bao lớp bụi thời gian vẫn không mờ nhòa, và tỏa bóng trong lâu đài văn hóa Việt Nam qua từng sự kiện văn học, hiện tượng văn hóa, hoàn cảnh ra đời tác phẩm... Ở đây, tôi bắt gặp con mắt xanh tinh đời cũng như tấm lòng thấu hiểu và ngưỡng mộ. Còn ở kia, tôi thấy phong vận trầm lặng, hương sắc dịu nhẹ, nghiêm trang mà ý nhị đã đọng lại cái duyên bút riêng của Nguyễn Thị Thanh Xuân.

Qua đây, tôi cảm nhận cái duyên của giọng văn phương Nam nơi Thiếu Sơn, người mở đầu nền phê bình văn học hiện đại bằng Phê bình và cảo luận (1933). Hay là Triều Sơn, tâm tưởng vừa hoang mang vừa hy vọng, vừa suy tư vừa mộng mơ, dấn thân đến chân trời rộng mở phía trước.

Lại nữa, thấp thoáng hình bóng Hoài Thanh cảm thức được muôn mặt “hình sắc các hồn thơ” mà thành ”người tri kỷ của thơ ca Việt”. Lãng đãng dung nhan ”bản nhiên” của Bùi Giáng, hiện ra khuôn mặt ni sư Phùng Khánh - Thích Nữ Trí Hải “Biển tuệ, vườn từ ái”. Cũng ở đây, bắt được nhịp cầu đến với “dòng mưa ánh sáng” trong đời văn Lưu Quang Vũ. Từng gương mặt kèm theo một định ngữ gói gọn vài nét phác giản đơn song ngưng đọng được thần thái riêng, nét biểu trưng riêng giữa bao dâu bể tháng năm, trong bao biến động lịch sử.

Đến Bích Khê, là ”bước lượn” trên dòng sông nghệ thuật. Cũng như khi khác, là ”diễn trình tư tưởng” của Mang Viên Long. Tiếp tục, là đền đáp chút tình văn với nhà thơ, nhà văn hóa dân gian Lê Giang ”rạt rào nhựa sống”, ”chất nhựa tươi nồng”. Tiếp tục, là Nguyễn Thị Thụy Vũ “những cái vô nghĩa của kiếp nhân sinh” chừng như cô quạnh quá đỗi, không dễ nguôi quên phiền muộn, khổ hạnh. Vậy mà, đến phía dốc bên kia cuộc đời chừng như đã có cuộc hạnh ngộ với những ngày tháng yên hàn.

Công chúng, chẳng mấy ai không biết đến Nguyễn Đổng Chi với Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Học giới, chẳng mấy ai không biết đến Nguyễn Đổng Chi như một học giả, nhà văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn học sử. Và bất ngờ là tác giả làm sáng rõ tầm vóc tác phẩm không phải tiêu biểu nhất, lâu nay ít được nhìn nhận thấu đáo, song không thể thiếu trong di sản đa dạng và đồ sộ của học giả ấy. Mới hay, đó là thiên phóng sự Túp lều nát in năm 1937 (dưới bút danh Nguyễn Trần Ai) buông tiếng thở dài trước thảm cảnh nghèo cực, nhục nhằn của dân đen sau lũy tre làng.

Tác giả trân quý và đồng cảm nỗi lòng Phan Khôi qua dòng suy tưởng: ”(...) người cô đơn trong khí phách, trong hoài bão của mình cả thời ông sống và cho đến hôm nay”. Và đó cũng là con người vun đắp cho tiến trình hiện đại hóa nền văn hóa nước nhà. Phía bên này là bày tỏ tiếng nói chính trực. Phía bên kia là khởi xướng tranh luận. Cái hơn người là tư tưởng phóng khoáng và độc lập, mở lòng tiếp nhận cái học Âu Tây. Cái khác người là quan niệm trường phái này, trào lưu kia, dẫu tương phản hay đối lập, đều có quyền song hành trên cõi đời này, làm gì có quy chuẩn nào ”duy ngã độc tôn”: "Nhược bằng bắt mọi người phải viết theo một lối của mình, thì đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết” (Phê bình lãnh đạo văn nghệ).

Và còn bao nhiêu tên tuổi nữa...

Tới đây, tôi lan man đến mấy chữ “chân dung văn học” trên bìa và trang tiêu đề. Nó chỉ thể tài hay là một phần của tên sách? Có phải người sinh ra đứa con tinh thần không muốn gọi tên, để ngỏ ai hiểu sao cũng được? Hay xem như là một phần của tên sách và vẫn là mạch chảy nối tiếp tập tiểu luận - phê bình Tiếng vọng những mùa qua (2004) của chính mình?

Sở dĩ gợn chút băn khoăn như thế vì đây là hai dạng thức có cách thể hiện khác nhau. Chủ âm của thể tài tiểu luận - phê bình là tư tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật, nghiên cứu một tác giả... còn “chân dung văn học” là nghiêng về trang đời cũng như cảm thụ tác phẩm. Chân dung văn học phóng túng hơn, ít bị gò bó vào lớp lang rành rẽ như tiểu luận - phê bình.

Gửi đây... , cái nhan đề lẩy ra từ tâm tình và cũng là lời mời gọi thân mật và thanh nhã: ”Người hôm nay đọc người hôm xưa, cảm nhận rõ một điều là những ngọn lửa ấm nồng của trí tuệ và trái tim vẫn được ủ kín trong chữ nghĩa và một ngày thức dậy đồng hành cùng chúng ta hôm nay. Đây, chút duyên tình đọc của một người xin gởi đến mọi người”. Tôi đã ghé vào thưởng lãm khu vườn văn chương muôn sắc đó và tự cho phép mình dài lời gọi mời các bạn cùng ghé vào.

Nguyễn Duy Long

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ban-hoa-dieu-tieng-long-22025.html