'Bản hòa âm đa sắc' chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2019

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 12/4 cho biết: 'Bản hòa âm đa sắc' là chủ đề của các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2019 diễn ra từ ngày 19- 21/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Năm nay, Ban tổ chức chọn chủ đề “Bản hòa âm đa sắc” nhằm tôn vinh, quảng bá văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em trong “ngôi nhà chung” là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Sự hòa quyện của các sắc màu văn hóa sẽ tạo thành bức tranh nhiều màu sắc, vừa thể hiện nét riêng bản sắc văn hóa từng dân tộc, vừa khẳng định sự phong phú, đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của hơn 270 người đại diện cho đồng bào các dân tộc; trong đó có dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc X’tiêng (Bình Phước) tham gia tái hiện lễ hội.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong buổi khai mạc chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Lê Phú

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong buổi khai mạc chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Lê Phú

Khoảng 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Điện Biên), Thái (Sơn La), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng).

Ngoài ra, Ban tổ chức huy động thêm các nghệ nhân trình diễn, chế tác nhạc cụ dân tộc của dân tộc; hơn 100 người là đại diện các già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng các dân tộc…

Lễ khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra đúng ngày 19/4, sau đó là phần trình diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc, bản hòa âm giai điệu dân tộc, vùng miền do các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện.

Tiếp đó là các hoạt động trưng bày, trình diễn liên quan đến nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam như: Đàn tính dân tộc Tày; khèn bè dân tộc Thái; chiêng, đàn bầu, sáo dân tộc Mường; khèn dân tộc Mông…; cồng chiêng, đàn t'rưng, đàn đá cùng các nhạc cụ mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn của các dân tộc Tây Nguyên; nhạc cụ được làm từ tre, nứa… trống, thanh la của dân tộc Khmer…

Ngoài ra, Ban tổ chức giới thiệu không gian chế tác nhạc cụ truyền thống tại các làng dân tộc; giới thiệu tới du khách quy trình chọn lựa nguyên liệu đến chế tác, trình diễn của các nhạc cụ. Các nghệ nhân cũng truyền dạy, hướng du khách tìm hiểu về đặc tính, cách thể hiện của mỗi loại nhạc cụ truyền thống dân tộc…

Trong chương trình vui hội cồng chiêng và trình diễn giai điệu Tây Nguyên chủ đề “Tiếng vọng non ngàn”, nhóm nghệ nhân dân tộc Ê Đê và các nhóm đồng bào dân tộc Tây Nguyên hoạt động hằng ngày tại Làng trình diễn cồng chiêng; thể hiện các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên đặc sắc…

Đặc biệt, dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Cơ Tu, dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk) sẽ có phần giao lưu âm nhạc.

Nhân dịp này, nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc cũng được tái hiện. Trong đó có lễ hội cồng chiêng của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk, diễn tấu cồng chiêng báo mừng tin vui làng mở hội, quảng bá Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.

Ngoài ra còn có phần tái hiện lễ hội cúng cơm mới của dân tộc X’tiêng. Lễ hội này thể hiện phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc X’tiêng sau khi thu hoạch xong vụ lúa, ruộng đồng được thu dọn gọn gàng. Đồng bào dân tộc X’tiêng quây quần, tụ hội làm lễ tạ ơn các thần linh, đất trời; cầu chúc cho năm sau tiếp tục được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc các địa phương, lan tỏa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, giao lưu, cùng hòa mình vào các lễ hội truyền thống, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, các hoạt động thu hút khách du lịch, tăng cường công tác quảng bá di sản văn hóa, giới thiệu về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thanh Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/ban-hoa-am-da-sac-chao-mung-ngay-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-nam-2019-20190412120105376.htm