Ban hành văn bản trái luật: Chưa thấy công chức nào bị xử lý trách nhiệm

Đó là phản ánh của cử tri được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu lên trong Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV của UBTVQH, sáng nay (17/10).

(Hình minh họa)

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, 63 Đoàn ĐBQH đã tổng hợp được 2.114 kiến nghị của cử tri . Trong đó, có 60 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,8%); 2.004 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 95,5%); 35 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (chiếm 1,7%).

Toàn bộ các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đến nay đều được xem xét, giải quyết, trả lời và có văn bản gửi tới Đoàn ĐBQH, nơi cử tri kiến nghị (đạt 100%).

Đề cập đến tình trạng ban hành văn bản trái luật bà Hải nêu, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản không đúng nội dung, thẩm quyền gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp chưa được xem xét, xử lý trách nhiệm nên chưa được giảm thiểu

Bà Hải cho biết, báo cáo của Bộ Tư pháp , kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2017, có 5.639 văn bản trái pháp luật (tính trung bình 1 ngày có 23,6 văn bản trái pháp luật được ban hành).

Giai đoạn 1995 - 2015 Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp kiểm tra 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản trái pháp luật được ban hành.

Đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu , cử tri kiến nghị rất nhiều, mặc dù đã được Bộ Tư pháp thường xuyên thẩm định, kiểm tra, đánh giá, các bộ, ngành, địa phương quan tâm xử lý, khắc phục, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều và đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

“Cử tri cho rằng, không khó để thống kê những văn bản vi phạm, nhưng rất khó tìm thấy một cơ quan, đơn vị hay một công chức bị xử lý trách nhiệm mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ thẩm quyền ban hành cũng như những yêu cầu khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Cán bộ công chức cũng đều đã đề cập việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người vi phạm”, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Kiến nghị với cơ quan của Chính Phủ đối với tình trạng một số văn bản trái pháp luật trong thời gian vừa qua, bà Hải cho biết, UBTVQH đề nghị ngoài việc rà soát, sửa đổi, các văn bản này, Chính phủ cần quan tâm đánh giá những tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, quyền lợi của người dân, đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đảm bảo tính răn đe và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, để từng bước chấm dứt tình trạng này.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/ban-hanh-van-ban-trai-luat-chua-thay-cong-chuc-nao-bi-xu-ly-trach-nhiem-418195.html