Ban hành Luật Việc làm là cần thiết

(VOV) -Theo Ủy ban các vấn đề xã hội việc ban hành Luật này nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động

Sáng nay (17/4), tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 5, thẩm tra Dự thảo Luật Việc làm. Đây là Dự thảo luật đã được bổ sung chỉnh sửa 6 lần nhưng lần này đã được rút gọn xuống còn 7 chương 61 điều, so với lần cho ý kiến đầu tiên là 9 chương 112 điều.

Luật việc làm là cần thiết đối với các thành phần lao động

Luật Việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm các quy định về 5 nội dung chính là: Hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp.

Các nội dung này áp dụng đối với mọi người lao động, bao gồm cả người lao động có việc làm (có hoặc không có quan hệ lao động) và người lao động không có việc làm (chưa có việc làm hoặc mất việc làm), người lao động phổ thông và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, chính sách hỗ trợ việc làm áp dụng chủ yếu đối với người lao động chưa có việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chủ yếu đối với người lao động bị mất việc làm. Các quy định về dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được áp dụng chung đối với tất cả người lao động.

Luật cũng áp dụng đối với 2 nhóm đối tượng. Một là người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc. Hai là cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc làm.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết, nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Việc làm cần nói rõ hơn tính khả thi, tính thực tiễn về việc làm cũng như thị trường lao động.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nếu ý kiến: Về thị trường lao động, tôi boăn khoăn có giải pháp nào để nắm được cung- cầu lao động. Đặc biệt là thông tin kết nối. Làm sao có định hướng lớn chứ hiện nay nắm thông tin thị trường lao động rất khó khăn. Hiện nay, sàn giao dịch việc làm theo chiều sâu nâng cao kết nối cung cầu lao động còn hạn chế.

Về nội dung Bảo hiểm thất nghiệp trong Dự thảo, các đại biểu cho rằng: Hiện tại, việc thu và quản lý Bảo hiểm thất nghiệp là do Bảo hiểm xã hội thực hiện. Dự thảo Luật Việc làm dự kiến chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về Luật Việc làm. Nội dung quy định bảo hiểm thất nghiệp sẽ bổ sung, mở rộng thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với người lao động trong thời gian đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhằm thực hiện chính sách phòng ngừa rủi ro cho người lao động; mở rộng phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động. Thế nhưng, khi đối tượng được mở rộng thì ai sẽ là người thu cũng như quản lý bảo hiểm thất nghiệp.

Ống Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói: Tôi có một boăn khoăn. Bây giờ bảo hiểm thất nghiệp đối tượng của chúng ta rộng hơn. Tôi xin hỏi Ban soạn thảo bộ phận nào thu và quản lý đối tượng này. Thứ 2, lại có việc giống như bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tức là ngoài đối tượng chúng ta quy định giờ lại hướng đến lao động phi kết cấu trong lao động xã hội. Bộ máy nào thực hiện việc này, bảo hiểm xã hội hay là chúng ta lại đẻ ra một bộ máy mới để làm.

Cho ý kiến về nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Dự thảo đề xuất người mỗi lao động đã qua đào tạo hoặc chưa qua đào tạo đều cần có chứng chỉ kỹ năng nghề, nhất là các nghệ nhân tại các làng nghề truyền thống là hợp lý. Qua đó, giúp người lao động dễ dàng tham gia vào các quan hệ lao động. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề liệu có xung đột với bằng cấp được đào tạo bài bản hay không. Ông Phạm Đức Châu, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến: Chứng chỉ kỹ năng nghề là rốt, nhưng sẽ có xung đột, bởi vì người cấp chứng chỉ kỹ năng nghề có thể được đào tạo và cũng có thể không qua đào tạo. Như thế thì người sử dụng lao động chỉ cần căn cứ vào bằng cấp đào tạo mà cũng có thể chỉ căn cứ vào chứng chỉ nghề để tuyển dụng và nâng lương. Vậy chứng chỉ nghề đó có giá trị bằng bằng cấp đào tạo hay không. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ để lường trước trong tương lai khi chúng ta sử dụng đội ngũ lao động./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/ban-hanh-luat-viec-lam-la-can-thiet/258188.vov