Ban hành Luật PPP nhằm thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ KH&ĐT cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức Tọa đàm với các đối tác phát triển về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Công trình từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng

Công trình từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, tại Việt Nam, PPP được thực hiện nhiều năm qua nhưng cơ sở pháp lý là các văn bản dưới luật. Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn mà ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công hạn chế, PPP đã được triển khai và đạt một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, đầu tư PPP nảy sinh một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện, nhất là đối với hình thức BT, BOT. Do đó, việc ban hành Luật PPP là cần thiết nhằm thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam (thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng), góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, thu hút khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước đầu tư các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Việt Nam từng bước được cải thiện nhờ việc huy động ở mức cao nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như của các nhà tài trợ quốc tế.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều mặt yếu kém. Điều này không chỉ là một trong những rào cản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm suy giảm sức hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Do vậy, cùng với việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước trong lĩnh vực này, việc huy động mọi nguồn lực từ khu vực tư nhân để tham gia phát triển kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực khác là tất yếu khách quan.

Tại Việt Nam, mô hình PPP bắt đầu được thực hiện từ năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi để từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, hiện hoạt động PPP và nội dung lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Những dự án PPP được thực hiện còn có những hạn chế, tồn tại nhưng các công trình, dịch vụ từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải,... kịp thời giải quyết các nhu cầu về công trình, dịch vụ công của người dân.

Tại Tọa đàm, đại diện các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã nêu 10 vấn đề chính đề nghị xem xét, nghiên cứu đề hoàn thiện dự án Luật PPP. Cụ thể các vấn đề về đảm bảo vốn chuẩn bị dự án và quy trình phê duyệt, hỗ trợ hợp đồng của Chính phủ, bảo đảm cân đối ngoại tệ, cơ chế chia sẻ doanh thu, luật áp dụng và trọng tài, vai trò của Bộ Tài chính, sự tham gia của DNNN, bên cho vay nước ngoài cho vay thế chấp nhà đất, tiếp nhận và chuyển nhượng cổ phần, huy động vốn.

Dự thảo Luật PPP gồm 11 chương, 105 điều, với nội dung và bố cục hợp lý, đã bao quát được toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong đó có một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau như về lĩnh vực đầu tư, cơ chế chia sẻ, vai trò của kiểm toán nhà nước…

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ban-hanh-luat-ppp-nham-the-che-hoa-mot-trong-ba-dot-pha-chien-luoc-cua-viet-nam-127084.html