Ban hành khung trình độ năng lực quốc gia: Phù hợp thông lệ quốc tế

Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thời gian đào tạo bậc ĐH rút ngắn xuống từ 3-5 năm so với thời gian 4-6 năm như hiện tại. Nhiều trường nhận định, khung cơ cấu mới không ảnh hưởng chương trình đào tạo hiện tại, phù hợp thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới thì thời gian đào tạo trình độ đại học từ 3 đến 5 năm, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ từ 1 đến 2 năm và thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ từ 3 đến 4 năm. So với qui định hiện hành, thời gian tối thiểu giảm 1 năm đối với đại học, giữ nguyên đối với thạc sĩ và tăng 1 năm đối với tiến sĩ. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ thông thường 2 năm; thời gian đào tạo 1 năm dành cho những học viên đã theo học chương trình đại học 5 năm.

Hiện nay, khung thời gian đào tạo thường được các nước tham khảo dựa vào tiến trình Bologna của Cộng đồng châu Âu. Theo đó, thời gian đào tạo kể từ khi sinh viên tốt nghiệp tú tài là 3 năm đối với đại học, 5 năm đối với thạc sĩ và 8 năm đối với tiến sĩ.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng việc nới biên độ từ 3 đến 5 năm cho thời gian đào tạo trình độ ĐH là phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, từ lâu đã đào tạo trình độ ĐH trong thời gian 3 năm. Hệ thống đào tạo ĐH của họ không có bằng kỹ sư, vì họ cho rằng kỹ sư là một chứng chỉ trong đào tạo nghề nghiệp chứ không phải là một văn bằng trong đào tạo ĐH.

“Ở Việt Nam đang có sự nhầm lẫn về khái niệm. Nghĩa là khi anh tốt nghiệp ĐH thì được một hiệp hội nghề nghiệp nào đó công nhận anh là kỹ sư. Việc tranh luận kỹ sư 4 năm hay 5 năm là không đúng. Dù 4 hay 5 năm thì vẫn chỉ là tốt nghiệp ĐH. Còn xu hướng thế giới đào tạo ĐH là 3 năm thì Việt Nam không dại gì không định hướng như thế” - ông Điền nói.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội thì cho rằng việc quy định khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là quy định về năng lực của người học. Quy định này sẽ tác động đến thang bảng lương khi sinh viên ra trường đi làm. “Chính vì vậy, chương trình đào tạo của trường không thay đổi. Vẫn đào tạo như hiện nay” - ông Tú cho hay.

Mặt khác, một điểm mới nữa trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được ban hành thì giáo dục trình độ tiến sĩ chỉ đào tạo theo định hướng nghiên cứu. Còn ở giáo dục ĐH và giáo dục thạc sĩ, sẽ có hai xu hướng nghiên cứu và ứng dụng. Đây cũng là cơ sở để tiến tới Việt Nam phân tầng, xếp hạng các trường ĐH.

Về phía ngành y, ông Nguyễn Hữu Tú, ĐH Y Hà Nội cho biết hiện nay ngành bác sĩ đa khoa đang đào tạo 6 năm. Thời gian học dài hơn nhưng khi ra trường mức lương vẫn chỉ tính như cử nhân. “Với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được ban hành, thì ngành y đa khoa nếu học 4 năm sẽ tương đương cử nhân, nếu học 6 năm sẽ tương đương thạc sĩ. Như vậy, khung cơ cấu mới, sinh viên ngành y đa khoa sẽ được công bằng hơn” – ông Tú khẳng định.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/ban-hanh-khung-trinh-do-nang-luc-quoc-gia-phu-hop-thong-le-quoc-te-1071293.tpo