Ban hành kế hoạch Công nghệ thông tin thành phố Hà Nội năm 2020

Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu thuộc 'Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020'; Hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, ngày 24-4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về CNTT thành phố Hà Nội năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kế hoạch đề ra một số mục tiêu cụ thể: Từng bước xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đảm bảo kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tối thiểu 60% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của Thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định. Đảm bảo hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng Thành phố ổn định, an toàn, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính. Đảm bảo 100% cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được gửi, nhận văn bản điện tử với Bộ, ngành, cơ quan trung ương thông qua Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử Thành phố (nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Thành phố).

100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc của sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được cập nhật qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. 90% các cuộc họp của UBND Thành phố diện rộng đến Sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến.

Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của từng Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đạt từ 20% trở lên; Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được cập nhật và xây dựng thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố. Từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến, mức độ 3, 4, trong đó tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 30% hồ sơ TTHC của Thành phố được xử lý trực tuyến mức độ 4.

Cổng Dịch vụ công Thành phố cung cấp giao diện cho các thiết bị di động. 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp. 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 100% Cổng Thông tin điện tử các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, ngày 13-6-2011, của Chính phủ. 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số xác thực trên nền tảng di động để thực hiện TTHC. 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp. Tối thiểu 50% số lượng gói thầu chào hàng cạnh tranh, gói thầu qui mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng.

100% CB, CC, VC, tùy theo yêu cầu sử dụng sẽ được bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng và cập nhật bổ sung kỹ năng ứng dụng CNTT dưới nhiều hình thức. 100% đoàn viên thanh niên các cơ sở quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chính quyền điện tử. Trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của Thành phố được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.100% dịch vụ công mức độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung. 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố được triển khai hóa đơn điện tử. Tập trung đầu tư phát triển từ 01 đến 02 khu CNTT tập trung trọng điểm.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, thành phố sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ; Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị của thành phố; Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực CNTT cho thành phố.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống CNTT của thành phố theo thỏa thuận phối hợp giữa UBND thành phố với Ban Cơ yếu Chính phủ. Tăng cường phối hợp công tác đảm bảo an toàn thông tin với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin thuộc Bộ TTTT, Bộ Tư lệnh 86-Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ chính quyền điện tử và thành phố thông minh; Đẩy mạnh phát triển CNTT làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-hanh-ke-hoach-cong-nghe-thong-tin-thanh-pho-ha-noi-nam-2020-190490.html