Ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc cải thiện chỉ số LPI của Việt Nam góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chỉ số hiệu quả logicstics (LPI) do Ngân hàng thế giới công bố. Kế hoạch của Bộ Công Thương đặt ra đến năm 2025, chỉ số LPI của Việt Nam tăng từ 5-10 bậc. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số này.

Kế hoạch đề ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI gồm: Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan; Nhóm nhiệm vụ bổ trợ.

Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch này.

Chỉ số LPI là chỉ số năng lực quốc gia về logistics, do Ngân hàng thế giới tiến hành nghiên cứu và công bố trong báo cáo mang tên “Kết nối để cạnh tranh - ngành logistics trong nền kinh tế toàn cầu”. Những quốc gia muốn cải thiện về ngành logistics cần sửa đổi và hiện đại hóa những viện quản lý biên giới, thay đổi những chính sách quy định về vận chuyển và trong một số trường hợp, đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng thương mại có liên quan.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/ban-hanh-ke-hoach-cai-thien-chi-so-hieu-qua-logistics.html