Ban hành đề án 'Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động'

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Đề án 'Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, giai đoạn 2020-2023 và định hướng đến năm 2023'.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Đề án nhằm cụ thể hóa Chương trình số 1306/CTr-TLĐ ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, giai đoạn 2019-2023”.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đào tạo, đào tạo lại vừa là nhu cầu của số đông người lao động, doanh nghiệp, đồng thời cũng là yêu cầu chung của sự phát triển đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đào tạo, đào tạo lại vừa là nhu cầu của số đông người lao động, doanh nghiệp, đồng thời cũng là yêu cầu chung của sự phát triển đất nước.

Mục tiêu của Đề án là tạo cơ hội để người lao động có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, thích ứng nhanh với sự phát triển của thị trường lao động. Nâng cao trình độ, năng lực, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta với các nước trong khu vực và thế giới; đáp ứng nhu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng của thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định 5 chỉ tiêu quan trọng, như: Hằng năm phấn đấu 100% công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động;

Hằng năm phấn đấu 65% công đoàn các cấp đề xuất, tham gia với các cơ quan chức năng và chuyên môn đồng cấp xây dựng chính sách pháp luật, các quy chế và quy định về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động;

Phấn đấu đến năm 2023, 100% công đoàn cơ sở nơi có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động tiến hành thương lượng để đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể;

Hằng năm, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn xây dựng kế hoạch phối hợp, liên kết với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động;

Ít nhất 2 năm/lần phấn đấu có 75% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức Hội thi thợ giỏi, Hội thi tay nghề cho người lao động, tập trung vào những nghề mới mà các doanh nghiệp có nhu cầu cao.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, do yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới sáng tạo, vấn đề việc làm và nghề nghiệp đối với người lao động ngày càng thuận lợi và linh hoạt hơn. Người lao động có thể lựa chọn, quyết định thay đổi chỗ làm việc và loại việc làm ở bất kỳ doanh nghiệp nào phù hợp với sở trường, thu nhập của bản thân.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động. Nhiều việc làm sẽ mất đi hoặc giảm và xuất hiện những việc làm mới. Trí tuệ nhân tạo, rô bốt, máy móc sẽ dần thay thế nhiều lao động chân tay, một số việc làm mới để tạo ra sản phẩm, dịch vụ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu, phần lớn người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không bài bản. Do đó, đào tạo, đào tạo lại vừa là nhu cầu của số đông người lao động, doanh nghiệp, đồng thời cũng là yêu cầu chung của sự phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, công nhân chuyển đổi nghề khá nhiều, nhất là đối với lao động nữ lớn tuổi. Việc tham gia đào tạo để chuyển đổi nghề cho người lao động chính là Công đoàn đang bảo vệ quyền lợi người lao động, tránh để lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, ảnh hưởng đến quyền lợi về sau.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-hanh-de-an-cong-doan-tham-gia-dao-tao-chuyen-doi-nghe-cho-nguoi-lao-dong-110462.html