Bán hàng qua siêu thị ngoại

Thông thường, để hàng Việt Nam xuất hiện tại các kênh phân phối nước ngoài, doanh nghiệp (DN) phải qua rất nhiều khâu trung gian, gây đội chi phí, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thực hiện Đề án thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu (XK) trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, nhiều năm nay, các DN đã tích cực đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập trực tiếp vào kênh phân phối nước sở tại.

Tận dụng hỗ trợ, cắt giảm trung gian

Bà Lê Thị Mai Linh – Phó Chủ tịch điều hành – Phụ trách quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội – Tập đoàn Central Group Việt Nam, cho biết, một trong những hoạt động quan trọng nhất Big C Việt Nam triển khai vài năm gần đây là hợp tác với Bộ Công thương để tổ chức thành công hai Tuần hàng Việt Nam tại Thái-lan. Sự kiện không những hỗ trợ DN Việt trưng bày và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Thái-lan mà còn là cơ hội đối thoại trực tiếp với các bộ phận thu mua. Từ đó giúp DN có được chiến lược kinh doanh tốt nhằm đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối nước ngoài.

Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp vào kênh phân phối, năm 2017, lần đầu tiên trái vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại siêu thị Big C Thái-lan. Nhiều mặt hàng nông sản, trái cây, dệt may, thực phẩm… Việt cũng được phân phối tại siêu thị này. Ngoài Thái-lan, tập đoàn này còn lập một công ty trực tiếp tại Việt Nam chuyên thu mua, xuất khẩu hàng Việt với doanh số khoảng vài chục triệu USD mỗi năm qua thị trường châu Âu. Công ty này sẽ giúp DN XK được nhiều hơn, đồng thời kết nối với các thị trường khác.

Không chỉ Big C Việt Nam, những năm gần đây, các “đại gia” trong ngành phân phối bán lẻ như MM Mega Market, Lotte, Aeon, Emart, Saigon Coop… đã tích cực tham gia Đề án thúc đẩy DN Việt Nam XK trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 để hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của các DN này trên toàn cầu. Tính đến nay, tổng giá trị hàng hóa XK trực tiếp thông qua các kênh siêu thị này đã lên đến hàng trăm triệu USD, tập trung vào các mặt hàng nước ta có thế mạnh như nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng…

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam đã bắt đầu được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Từ đó đến nay, thay vì chỉ bán hàng cho các siêu thị trong nước, các cơ quan quản lý và DN đã phối hợp để phân phối hàng hóa ra nước ngoài thông qua các kênh siêu thị này. Đây là hoạt động mang lại lợi ích lớn khi giúp DN hạn chế nhiều khâu trung gian, từ đó giảm giá thành cho sản phẩm.

Kể từ năm 2008 đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp hàng loạt các nhà phân phối như Casino – Pháp (nay đã bán cho chủ đầu tư Thái-lan), Metro Cash & Carry - Đức (nay đã bán cho chủ đầu tư Thái-lan), Makro (Cộng hòa Séc), Coop và Conad (Italia), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) để tổ chức các “Tuần hàng Việt Nam” nhằm quảng bá hàng Việt và kết nối trực tiếp DN với các chuỗi phân phối. Trong năm 2017, các vụ và cơ quan thương vụ của Bộ Công thương cũng tổ chức kết nối các đoàn DN Việt với các tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon… để phân phối trực tiếp hàng hóa qua các siêu thị này, mang lại hiệu quả lớn.

Đơn cử, thông tin từ hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam cho thấy, thông qua hệ thống siêu thị, năm 2016, Lotte Mart đã XK 1.300 tỷ đồng hàng hóa Việt thông qua siêu thị. Dự kiến, năm 2017, con số này sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, hệ thống siêu thị Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa Việt Nam để XK qua siêu thị…

Không chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà DN bán lẻ thuần Việt cũng tích cực tham gia vào hoạt động này. Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, sau cái “bắt tay” với đối tác NTUC Fair Price (Singapore), vài năm gần đây, Saigon Co.op cũng tích cực phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài thông qua kênh siêu thị. Riêng năm 2016, Saigon Co.op đã XK nhiều sản phẩm hàng Việt sang các quốc gia khác với doanh thu khoảng 45 tỷ đồng. Đến nay, nhiều mặt hàng Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Singapore.

Nắm bắt thị hiếu, am hiểu thị trường

Có tiềm năng lớn nhưng XK hàng hóa vào siêu thị nước ngoài vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử, theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng, mà từ việc am hiểu nhu cầu thị trường và khâu quảng bá thương hiệu của nông sản Việt. Thí dụ như Việt Nam thích trồng thanh long cỡ lớn. Nhưng người tiêu dùng Thái-lan lại ưa chuộng thanh long quả nhỏ vừa một người ăn. Cung và cầu chưa gặp nhau khiến kim ngạch XK mặt hàng này chưa cao như kỳ vọng.

Đồng ý kiến với bà Nga, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, thông tin thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy XK vào kênh phân phối nước ngoài. Do đó, DN sản xuất cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, linh động trong điều hành kinh doanh, phối hợp thông tin chặt chẽ với nhà phân phối. Đi kèm với đó là các giải pháp đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí, cam kết và bảo đảm số lượng cũng như chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm, hàng hóa.

Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, dù xuất khẩu vào thị trường nào, yếu tố quan trọng nhất DN phải chú ý là bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm, nhất là trong xu hướng tiêu chuẩn chất lượng và hàng hóa đang thay đổi rõ rệt hiện nay.

Trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy DN Việt Nam XK trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, DN đã và đang được hỗ trợ XK hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài thông qua các hoạt động kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài thông qua các Tuần hàng Việt Nam; tạo điều kiện thành lập kho quan ngoại…

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34570702-ban-hang-qua-sieu-thi-ngoai.html