Bán hàng nhập lậu, cửa hàng Taiwan Food bị xử phạt

Cửa hàng Taiwan Food bày bán nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và đã bị Đội Quản lý thị trường số 4 xử phạt.

Vừa qua, Diễn đàn pháp luật nhận được thông tin phản ánh về các sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng Taiwan Food (có địa chỉ tại số 135B Trần Hữu Tước, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Được biết, cửa hàng Taiwan Food chuyên bán đồ ăn vặt, nước uống… có xuất xứ từ nước ngoài. Trên mạng xã hội Facebook và Instagram, rất nhiều sản phẩm của Taiwan Food được rao bán rầm rộ.

Theo ghi nhận của PV tại cửa hàng Taiwan Food trên phố Trần Hữu Tước, rất nhiều sản phẩm tại đây không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Hàng hóa được bày bán trên kệ đều in dày đặc chữ nước ngoài, không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ, cách dùng và thành phần của sản phẩm. Các mặt hàng tại đây hầu hết là đồ ăn với tem nhãn nhiều màu sắc bắt mắt như lẩu tự sôi, mì ăn liền, bánh pía, sữa trái cây... Ngoài ra, nhân viên trực điện thoại tại cửa hàng cũng nhận được khá nhiều các đơn đặt hàng qua Internet.

Nhiều sản phẩm được bày bán tại cửa hàng Taiwan Food không rõ về nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều sản phẩm được bày bán tại cửa hàng Taiwan Food không rõ về nguồn gốc, xuất xứ.

Để làm rõ thông tin phản ánh trên, Diễn đàn pháp luật đã làm việc với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và nhận được văn bản trả lời số 41/BC-KT.PHLN, văn bản cho biết: Ngày 13/11/2020, Đội Quản lý thị trường số 4 đã ra quyết định kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh Taiwan Food có địa chỉ tại số 135B Trần Hữu Tước (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) do ông Hồ Đức Trung là chủ kinh doanh. Ngoài số hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 1450 chiếc bánh quy kem nhãn chữ nước ngoài có giá niêm yết là 5.000 đồng/chiếc; 28 chiếc bánh quy nấm nhãn chữ nước ngoài có giá niêm yết 10.000 đồng/chiếc; 60 gói mực cay nhãn chữ nước ngoài có giá niêm yết 10.000 đồng/gói; 167 chiếc bánh sữa chua nhãn chữ nước ngoài có giá niêm yết 5.000 đồng/chiếc. Toàn bộ hàng hóa có nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hồ Đức Trung về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm. Theo đó, chủ cơ sở bị phạt tiền 6 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Sữa trái cây vị dâu có giá bán 35.000 đồng, dày đặc tiếng nước ngoài.

Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Mặt khác, Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP nêu rõ: Những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức giá trị hàng hóa từ dưới 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính bằng các biện pháp: Cảnh cáo, phạt tiền và các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ngọc Thiện

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/can-lam-ro-nguon-goc-xuat-xu-san-pham-tai-cua-hang-taiwan-food-54153.html