Bắn hạ vệ tinh như thế nào?

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của chuyên gia quân sự Nga Kirill Ryabov về các phương pháp bắn hạ vệ tinh.

Sẽ có một số ý trùng lặp, mong bạn đọc thông cảm. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) cách đây tương đối lâu (24/11/2018). Sau đây là nội dung bài viết:

Lực lượng vũ trang của những nước phát triển đang sử dụng nhiều thiết bị vũ trụ có các chức năng khác nhau. Các vệ tinh trên quỹ đạo được sử dụng phục vụ cho nhiệm vụ dẫn đường , liên lạc, trinh sát và v.v.

Vì vậy, những thiết bị vũ trụ trở thành những mục tiêu được “ưu tiên tìm diệt” của đối phương. Việc loại ra ngoài vòng chiến, ít nhất là một số vệ tinh trong một cụm vũ trụ có thể gây những tác động rất nghiêm trọng đến tiềm lực quân sự của đối phương.

Vũ khí chống vệ tinh đã và đang được nghiên cứu thiết kế tại nhiều quốc gia khác nhau, và đã có một số thành công nhất định trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tất cả những hệ thống như đã đã biết thuộc lớp này chỉ có tiềm năng hạn chế và không có khả năng tấn công tất cả các vật thể trên quỹ đạo.

Từ quan điểm của các phương pháp tiêu diệt và công nghệ, một thiết bị vũ trụ trên quỹ đạo không phải là một mục tiêu dễ dàng tiêu diệt.

Hầu hết các vệ tinh đều di chuyển trên một quỹ đạo có thể dự đoán trước được, điều này giúp cho việc dẫn đường cho vũ khí trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng cùng với đó, các quỹ đạo nằm ở những độ cao ít nhất vài trăm km, và như vậy vũ khí diệt vệ tinh cần phải đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt trong kết cấu và các tính năng kỹ- chiến thuật.

Vì vậy, việc đánh chặn và phá hủy một thiết bị vũ trụ trên thực tế là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, và nhiệm vụ này có thể được giải quyết theo nhiều cách khác nhau.

Vũ khí "Trái đất-Vũ trụ"

Một phương pháp chống lại các vệ tinh là sử dụng kiểu vũ khí “cao xạ” với những tính năng đặc biệt, có khả năng tiếp cận mục tiêu ngay cả trên quỹ đạo.

Đây là một trong những ý tưởng (chống vệ tinh) xuất hiện sớm nhất, và nhanh chóng thu được một số kết quả thực tế. Tuy nhiên, các tổ hợp kiểu này trước đây không được phổ biến do chúng quá phức tạp và giá thành quá cao.

Sơ đồ phân bố các mảnh vỡ từ vệ tinh FY-1C bị tên lửa Trung Quốc bắn hạ. Bản vẽ của NASA

Sơ đồ phân bố các mảnh vỡ từ vệ tinh FY-1C bị tên lửa Trung Quốc bắn hạ. Bản vẽ của NASA

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tình hình đã có nhiều thay đổi và đã có một số tổ hợp tên lửa mới phóng từ mặt đất hoặc phóng từ tàu chiến có khả năng tấn công vệ tinh trên quỹ đạo đã được đưa vào trang bị.

Cụ thể, vào tháng 1/2007, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành thành công các cuộc thử nghiệm tổ hợp chống vệ tinh đầu tiên của mình. Tên lửa đánh chặn Trung Quốc đã lên đến độ cao khoảng 865 km và bắn đón trúng chiếc vệ tinh thời tiết FY-1C gặp sự cố trước đó.

Tin tức về những cuộc thử nghiệm này, cũng như một lượng lớn mảnh vỡ của vệ tinh trên quỹ đạo, đã trở thành nguyên nhân khiến nhiều quân đội nước ngoài đặc biệt quan ngại.

Vào tháng 2/2008, Mỹ cũng tiến hành các thử nghiệm tương tự, nhưng lần này là một tên lửa phóng từ tổ hợp phóng trên tàu. Tàu tuần dương mang tên lửa USS Lake Erie (CG-70) đang trực chiến trên Thái Bình Dương khi đó đã phóng tên lửa đánh chặn SM-3.

Mục tiêu của tên lửa này là chiếc vệ tinh trinh sát cũng gặp sự cố USA-193. Điểm chạm của tên lửa đánh chặn và mục tiêu xảy ra ở độ cao 245 km. Vệ tinh bị phá hủy, và các mảnh vỡ của nó bốc cháy trong các lớp dày đặc của bầu khí quyển.

Những lần thử nghiệm này khẳng định khả năng có thể triển khai tên lửa chống vệ tinh không chỉ trên đất liền mà còn trên các tàu chiến. Ngoài ra, chúng cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của tên lửa SM-3, vốn được thiết kế chỉ để đánh chặn các mục tiêu khí động học và tên lửa đạn đạo.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, các tên lửa chống vệ tinh phóng từ mặt đất hiện cũng đang được thiết kế- chế tạo ở nước ta (Nga).

Có giả thiết cho rằng độ cao tấn công của các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới nhất không bị giới hạn trong 30 km như các công bố chính thức, mà các tổ hợp này có thể bắn hạ các thiết bị vũ trụ trên quỹ đạo.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tên lửa chống vệ tinh chuyên dụng sẽ được đưa vào cơ số đạn của tổ hợp tên lửa phòng không triển vọng S-500.

Phóng tên lửa SM-3 từ bệ phóng trên tàu tuần dương USS Lake Erie (CG-70), năm 2013. Ảnh: US Navy .

Vào thời điểm hiện tại (cuối 2018), ngành công nghiệp Nga đang hiện đại hóa tổ hợp phòng thủ chống tên lửa A-235. Trong khuôn khổ của một chương trình lớn hơn, các công trình sư Nga cũng đang thiết kế một tên lửa đánh chặn triển vọng mang mã "Nudol" (mới thử nghiệm thành công cuối tháng 11/2020-ND).

Trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, có rất nhiều thông tin, nhận định cho rằng tổ hợp tên lửa “Nudol” chính là một loại phương tiện chống vệ tinh.

Tuy vậy, các tính năng và khả năng của tổ hợp này vẫn được giữ bí mật và các quan chức có thẩm quyền Nga không hề đưa ra một bình luận nào về những giá thuyết nói trên của các chuyên gia nước ngoài.

"Khí quyển- Vũ trụ"

Tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là độ cao rất lớn của mục tiêu. Chúng cần phải có động cơ rất mạnh nên rất khó thiết kế.

Nên ngay từ cuối thập niên 50, gần như ngay sau lần phóng chiếc vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất, đã xuất hiện ý tưởng trang bị tên lửa đánh chặn vệ tinh cho máy bay – phương tiện mang.

Máy bay- phương tiện sẽ đưa tên lửa lên một độ cao nhất định và đảm bảo gia tốc ban đầu của nó, nhờ đó làm đơn giản hóa các yêu cầu đối với động cơ của chính tên lửa.

Những thử nghiệm đầu tiên theo hướng này đã được Mỹ thực hiện vào cuối những năm 50.

Trong thời gian đó, Mỹ đang thiết kế tên lửa đạn đạo chiến lược phóng từ trên không và sau một số thử nghiệm đã thấy rằng; một số mẫu loại này không chỉ có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu trên mặt đất mà còn để đối phó với các thiết bị vũ trụ.

Trong khuôn khổ các thử nghiệm bay- thiết kế các tên lửa Martin WS-199B Bold Orion và Lockheed WS-199C High Virgo, Mỹ đã cho phóng thử nghiệm kiểm tra một số lần nhằm vào các mục tiêu trên quỹ đạo. Tuy nhiên, các dự án trên đã không mang lại kết quả như mong muốn và đã được lệnh chấm dứt.

Tiếp sau đó, người Mỹ tiếp tục một số nỗ lực chế tạo tên lửa chống vệ tinh phóng từ trên không, nhưng đã không thành công. Tất cả các sản phẩm mới đều có những nhược điểm nhất định không cho phép đưa chúng vào trang bị.

Vào thời điểm hiện tại, theo những gì được biết, Quân đội Mỹ không có vũ khí loại này, và ngành công nghiệp Mỹ chưa nghiên cứu phát triển các dự án mới nào.

Phá hủy USA-193 bằng tên lửa SM-3. Ảnh : US Navy

Thiết kế thành công nhất của Mỹ trong lĩnh vực tên lửa chống vệ tinh trang bị cho máy bay là sản phẩm Vought ASM-135 ASAT với phương tiện mang là máy bay F-15 cải tiến.

Vào tháng 9/1985, Mỹ cho tiến hành lần phóng thử nghiệm tác chiến duy nhất của tên lửa này nhằm vào một mục tiêu trên quỹ đạo để kiểm tra những khả năng của nó. Chiếc máy bay tiêm kích- phương tiện mang nói trên lấy độ cao theo chiều thẳng đứng đã phóng tên lửa ở độ cao khoảng 24,4 km.

Sản phẩm (tên lửa) đã được dẫn tới đúng vị trí mục tiêu đã định bằng đầu tự dẫn và phá hủy mục tiêu. Điểm va đập giữa tên lửa và mục tiêu ở độ cao 555 km. Nhưng dù đã có những thành công lớn và tiềm năng cũng rất lớn, dự án này đã bị dừng vào năm 1988.

Trong nửa đầu thập kỷ 80, nước ta (Nga) cũng đã khởi động dự án chế tạo tổ hợp chống vệ tinh bằng tên lửa đánh chặn phóng từ trên không. Tổ hợp 30P6 "Contact" có một số thành phần, và quan trọng nhất chính là tên lửa 79M6.

Theo dự án, tên lửa này sẽ được trang bị cho máy bay- phương tiện mang kiểu MiG-31D. Theo các nguồn tin khác nhau, tên lửa của tổ hợp “Contact” có thể tiêu diệt các thiết bị vũ trụ trên các quỹ đạo có độ cao thấp nhất là 120-150 km.

Theo những gì được biết, tổ hợp 30P6 cơ sở đã không được đưa vào trang bị. Tuy nhiên, sau đó, đã có một dự án khác nhằm cải hoán tên lửa đánh chặn 79M6 thành một tên lửa mang các loại hàng có trọng tải nhỏ (lên vũ trụ).

Vào cuối tháng 9 (2018), trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện một số bức ảnh mới chụp máy bay MiG-31 mang một “sản phẩm” không xác định ở móc treo bên ngoài.

Kích thước và hình dạng của “sản phẩm” này khiến nhiều chuyên gia đưa ra nhận định đó là một tên lửa chống vệ tinh phóng từ trên không. Tuy vậy, cho đến nay đây vẫn chỉ là những giả định và không có dữ liệu cụ thể nào về vật thể chưa được xác định nói trên.

Theo những gì được biết, tên lửa chống vệ tinh trang bị cho máy bay đã được nghiên cứu ở cấp độ này hay cấp độ khác ở một số nước. Tuy nhiên, mới chỉ có duy nhất hai nước là Nga và Mỹ có được “sản phẩm” thực tế và đã phóng thử nghiệm kiểu vũ khí như vậy.

Các quốc gia khác chưa chế tạo xong và chưa thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh trang bị cho máy bay. Các chương trình chống vệ tinh của họ được xây dựng dựa trên những ý tưởng khác.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ban-ha-ve-tinh-nhu-the-nao-3424550/