Bắn hạ vệ tinh - bước nhảy vọt của Ấn Độ trong lĩnh vực vũ trụ

Trong tuần qua, Ấn Độ tuyên bố bắn hạ thành công một trong các vệ tinh của chính nước này, thể hiện khả năng chiến lược trong không gian mà ít quốc gia trên thế giới có được. Thành tích này của New Delhi được thực hiện vào một thời điểm quan trọng.

Trong tuần qua, Ấn Độ tuyên bố bắn hạ thành công một trong các vệ tinh của chính nước này, thể hiện khả năng chiến lược trong không gian mà ít quốc gia trên thế giới có được. Thành tích này của New Delhi được thực hiện vào một thời điểm quan trọng.

Tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo (BMD) được phóng trong vụ thử tên lửa chống vệ tinh (ASAT) hôm 27-3. Ảnh: PTI

Tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo (BMD) được phóng trong vụ thử tên lửa chống vệ tinh (ASAT) hôm 27-3. Ảnh: PTI

Thành tựu có ý nghĩa lịch sử

Chỉ 10 phút trước khi có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp bằng tiếng Hindi ngay sau buổi trưa ngày 27-3, ít ai ngờ rằng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tuyên bố bắt đầu một thời đại vũ trụ mới cho New Delhi. "Chỉ cách đây vài phút, Ấn Độ đã đạt được cột mốc lịch sử và trở thành một cường quốc không gian. Chúng tôi đã thử thành công tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) và bắn hạ mục tiêu đang hoạt động trên quỹ đạo cách mặt đất 300km. Xin chúc mừng tất cả những người tham gia Nhiệm vụ Shakti", ông tuyên bố. Ông Modi nhấn mạnh, đây là biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia mà không trái với bất kỳ luật pháp quốc tế nào, cũng như khẳng định bước đi này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Theo ông Modi, đây là thành tựu có ý nghĩa lịch sử vì Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phóng thành công tên lửa chống vệ tinh (ASAT) sau Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ông nhấn mạnh, điều này sẽ "giúp Ấn Độ mạnh mẽ, an toàn, hòa bình cũng như hòa hợp hơn nữa". Trên Twitter, ông Modi cho biết, Ấn Độ đã thử thành công tên lửa ASAT vào mục tiêu hoạt động trên quỹ đạo thấp. Ông gửi lời chúc mừng đến những người tham gia và "Nhiệm vụ Shakti", nhiệm vụ mà ông đánh giá là rất phức tạp, nhằm vào mục tiêu với tốc độ cao. Ông đánh giá sự thành công của Shakti cho thấy sự xuất sắc của các nhà khoa học Ấn Độ và sự thành công của chương trình không gian nước này. "Nhiệm vụ Shakti rất phức tạp, nhắm vào mục tiêu có tốc độ cực cao và có độ chính xác đáng nể. Nó cho thấy sự khéo léo của các nhà khoa học Ấn Độ, cũng như thành công của chương trình không gian", Thủ tướng Modi nhấn mạnh.

Chương trình không gian Ấn Độ kỷ niệm 50 năm hoạt động trong năm nay, khi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), lớn thứ 6 trên thế giới, được thành lập vào năm 1969, có nhiều thành tựu đáng kể. Tổ chức này đã phóng thành công vệ tinh dân sự lớn nhất ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Nhiệm vụ Tàu quỹ đạo Sao Hỏa và tạo ra kỷ lục thế giới về việc phóng 104 vệ tinh từ cùng một tên lửa. ISRO được định hướng cho các dự án dân sự, thử nghiệm ASAT nằm dưới sự bảo trợ của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO). Kiến trúc sư của chương trình tên lửa bản địa, DRDO, đã công khai bày tỏ ý định thử nghiệm ASAT từ năm 2012.

Thử nghiệm được thực hiện bằng cách điều chỉnh phương tiện đánh chặn tên lửa đạn đạo bản địa của Ấn Độ, nhắm vào một vệ tinh Ấn Độ đang hoạt động ở độ cao 300km trong quỹ đạo thấp của Trái đất trong vòng 3 phút. Việc lựa chọn mục tiêu trong quỹ đạo thấp của Trái đất nhằm ngăn chặn các mảnh vỡ trong vũ trụ, vì ô nhiễm vũ trụ hiện là mối quan ngại chung của toàn thế giới.

Cuộc đua Trung-Ấn

Vệ tinh trợ giúp các tính năng từ dân sự đến quân sự, khoa học và thương mại, và do đó, thành tựu vũ trụ là không thể thiếu đối với các hoạt động của xã hội hiện đại, vì một loạt các dịch vụ và thiết bị khác nhau, từ tên lửa đến điện thoại di động, ngân hàng đến điều hướng, khí tượng đến quản lý thảm họa đều phụ thuộc vào nó. Tiện ích chiến lược trong lĩnh vực vũ trụ được thể hiện rõ từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, khi cả Mỹ và Liên Xô trước đây trình diễn một loạt vũ khí không gian bao gồm cả tên lửa chống vệ tinh. Tuy nhiên, những năm 1980 đánh dấu đỉnh điểm vai trò của vũ trụ, với Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Trung Quốc thử nghiệm ASAT vào năm 2007 và Mỹ đáp trả 1 năm sau đó. Kể từ đó, Mỹ, Trung Quốc và Nga tăng tốc trong các hoạt động vũ trụ quân sự ở các mức độ khác nhau và sự xuất hiện của các công nghệ mới càng làm phức tạp thêm cuộc đua này. Mặc dù không có bất kỳ xung đột nào trong vũ trụ và việc đưa vũ khí vào vũ trụ được quy định theo Hiệp ước vũ trụ năm 1967, các ứng dụng chiến lược của công nghệ vũ trụ vẫn phổ biến.

Ấn Độ liên tục phản đối việc vũ khí hóa vũ trụ và ủng hộ quan điểm, vũ trụ là tài sản chung của nhân loại, nhưng vụ thử nghiệm ASAT của Trung Quốc năm 2007 đã làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh đối với Ấn Độ và xúc tác cho việc thành lập một tổ chức không gian thuộc Bộ Quốc phòng. Vũ trụ là không thể thiếu đối với các chức năng chiến lược và dân sự quan trọng, đảm bảo tài sản trong vũ trụ đã trở thành ưu tiên quan trọng. Ấn Độ hiện gia nhập bộ tứ trên thế giới sở hữu khả năng phá hủy vệ tinh trong không gian, cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Các thử nghiệm dường như được thúc đẩy bởi các cân nhắc về an ninh, thể hiện năng lực công nghệ và sự kiên định đúng đắn của Ấn Độ để có thể có tiếng nói trên bàn chính trị toàn cầu. Bộ Ngoại giao Ấn Độ từng nhấn mạnh, New Delhi hy vọng trong tương lai sẽ đóng vai trò soạn thảo luật quốc tế về ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ, với tư cách là một quốc gia có công nghệ vũ trụ tiên tiến. Việc khẳng định tuân thủ các công ước quốc tế cho thấy, Ấn Độ mong muốn được coi là một người chơi có trách nhiệm trên toàn cầu. Thành công của vụ thử nghiệm lần này chứng minh Ấn Độ là một cường quốc vũ trụ ưu việt, nhưng vẫn còn phải xem liệu các nhà lãnh đạo sẽ duy trì các bước quan trọng tiếp theo để củng cố động lực này hay không.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_204207_ban-ha-ve-tinh-buoc-nhay-vot-cua-an-do-trong-linh-vuc-vu-tru.aspx