Bàn giao năm tập đoàn, tổng công ty nông nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

Ngày 15-11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức lễ ký bàn giao năm đơn vị, gồm: Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền bắc và Tổng công ty Lương thực miền nam về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29-9-2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có bảy tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, trong đó có năm đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu trên.

Nợ xấu được bán với giá bằng 50 đến 70% nợ gốc

Trong hai ngày 14 và 15-11, tại Hà Nội, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị hằng năm và Hội nghị quốc tế Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ tư với chủ đề: Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện.

Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - tài chính, an ninh tài chính châu Á, cơ hội và thách thức trong thị trường xử lý nợ, cũng như nhân tố ảnh hưởng và xu hướng thị trường xử lý nợ châu Á... Tại Việt Nam, cơ chế chính sách xử lý nợ xấu giai đoạn từ năm 2011 đến nay từng bước được xác lập rõ ràng và mở rộng mạnh mẽ theo hướng thị trường. Chất lượng xử lý nợ xấu đã tốt hơn, giá giao dịch có xu hướng tăng cao, bằng 50% đến 70% nợ gốc. Bên cạnh biện pháp mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bán nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản…, DATC còn thực hiện cơ chế xử lý nợ gắn với tái thiết doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cao.

Quảng Trị phấn đấu có 7.000 ha sản xuất theo cánh đồng lớn

Triển khai kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020 diện tích cánh đồng lớn đạt 7.000 ha. Mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn nhằm tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân (cá nhân, hộ gia đình, trang trại) với doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ) gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân...

Học viện Tài chính - 55 năm xây dựng và phát triển

Ngày 15-11, tại Hà Nội, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính, đã tổ chức hội thảo khoa học “Học viện Tài chính - 55 năm xây dựng và phát triển”.
51 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã khẳng định những thành công đáng tự hào của Học viện Tài chính, tiền thân là Trường cán bộ tài chính kế toán Trung ương thành lập ngày 31-7-1963. Từ 17 giáo viên trong 50 cán bộ cơ hữu ban đầu, đến nay Học viện đã có 720 cán bộ; liên kết và hợp tác với hơn 30 đối tác nước ngoài; đào tạo hơn 100 nghìn cử nhân tài chính, 400 tiến sĩ và 8.000 thạc sĩ; trong đó có 500 cử nhân tài chính - kế toán cho hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38264202-ban-giao-nam-tap-doan-tong-cong-ty-nong-nghiep-ve-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc.html